Tiếp tục Phần 1.
Dây tín hiệu có chữ Balance (Balanced Audio) đó là dây được thiết kế cân bằng cho tín hiệu, có tác dụng rất tốt cho việc loại trừ nhiễu RF có hại cho âm thanh. Nó có thể được thích ứng gắn các đầu Jack RCA cũng như XLR. Và để đúng với kĩ thuật này (balanced interconnection), người trực tiếp chế tác, đấu nối phải am hiểu - thực hiện đúng phương pháp đấu nối và gia tăng sức bền vật liệu.
Dây Digital (coaxial) có thể dùng để cắm làm dây tín hiệu Analog các loại và được âm thanh tốt. Ngược lại, các loại dây tín hiệu chưa chắc (hoặc không thể) cắm cho ngõ Digital.
Ráp xong một cái âmly bóng đèn điện tử cần phải quan tâm cực kì ở phần playout và thoát mass, không phải cứ nghe thấy chất âm rạng rỡ mà cứ ngỡ là đã thành công. Sự điệu đàng, tự nhiên từ âm thanh mới lột tả hết tính chất của âm nhạc.
Với tất cả các loại dây dẫn cho audio - khâu thi công hoàn chỉnh nếu không có sự nghiêm túc và cẩn thận, chúng ta chỉ thưởng thức được 50% khả năng của nó mà thôi.
Tất cả các thành phần có cấu tạo kim loại trong hệ thống audio, nếu không sử dụng để kết nối thì nên cho xuống mass
Đang nghe nhạc, tự nhiên thấy bóng công suất rực sáng như đèn thì tắt máy ngay.... thay mấy con tụ nối tầng dưới chân đèn. Đa số hết bịnh, mà âm thanh tự nhiên hay hơn xưa nhiều. nếu đèn vẫn còn rực sáng thì.... đi viện luôn nha!
Tự nhiên máy bị đứt cầu chì nguồn, hoặc do cắm lộn điện. Kiếm cầu chì dưới danh định 1/3 (ampe nhỏ hơn 1 chút) thử vào trước. Nếu thấy máy chạy ok thì gắn cái đúng vào xài tiếp, còn nếu vẫn đứt thì alê hấp, đi cấp cứu luôn chứ không được sơ cứu ở nhà nữa. Bộ xử lý nguồn đã bị sự cố rồi!
Hầu hết vật liệu đấu kết cho audio đều có thành phần là đồng, mềm và ít đàn hồi cho nên phải nhẹ tay với các loại linh kiện này. Bắp chuối dễ xẹp, ren ốc dễ lờn. Cắm rút đừng quá lắc, siết ốc đừng quá lực.
Các loại dây nhợ, thoạt nhìn cảm thấy quá cũ kĩ thì phải cân nhắc trước khi sử dụng cho Hi audio. Vì các kết cấu bề mặt của các loại dây quá cũ có thể bị nứt gãy nhiều trong quá trình sử dụng hoặc bị uốn bẻ liên tục. Ảnh hưởng rất xấu đến sự thanh thoát trong trình diễn các âm cao trong hệ thống.
Lâu lâu nên tắt máy và xoay liên tục các nút volme, các nút selector trên âm ly hoặc pre nhiều lần để làm sạch các điểm tiếp xúc bên trong => Âm thanh sẽ tốt hơn xưa!
Không nghe nhạc trên các dĩa CD có chất lượng quá tệ, chép ghi cẩu thả
Vi mạch điều khiển mắt CDP sẽ hoạt động cường độ cao hơn và làm nóng con IC liên can khiến tuổi thọ mắt CDP bị giảm đi nhanh chóng. Nếu cắm điện nguồn không chắc chắn, tình trạng này xảy ra cũng nhanh không kém.
Biến áp cách ly (BACL) không làm cho dàn máy nghe ấn tượng hơn, mà làm cho dàn máy nghe dịu dàng và thanh thản hơn. Các loại linh kiện cao cấp khác cũng vậy. Chơi BACL mà quá cầu kì và căng thẳng với độ rung cho phép thì chơi ổn áp vừa rẻ và khỏi lo.... stress!
Nghe thấy các thứ âm thanh lạ (đài TV, Radio) văng vẳng nho nhỏ phát ra từ dàn audio? Kiếm các jack RCA cũ, đấu vỏ và lõi RCA lại với nhau rồi cắm vào các đuôi RCA sau máy ở các ngõ không dùng tới. Nếu thấy câm tiếng nhiễu kia là ok, cắm luôn không rút ra nữa.
Nghe tiếng lách tách trên loa lúc trong nhà đang bật đèn ống (đèn huỳnh quang 1.2m) là do cho chuột đèn còn được gọi là tắc te (Starter) nó chớp chớp gây khó chịu, cái này dễ! chạy ra tiệm điện lớn mua ngay cái bóng led 1.2m Rạng Đông, bóng này cho ánh sáng rất tốt và mát nên giá hơi cao.
Đừng nghe quảng cáo hiệu khác của Trung Quốc, cứ Rạng Dông đập tới. Đem về, tháo con chuột quẳng qua lỗ bông gió rồi gắn bóng mới vào y như cũ. Xong! Nếu rảnh quá thì tháo bỏ luôn cục ballast cũng ok!
Dây cáp của các nhà đài (truyền hình cáp) là 1 ổ nhiễu khổng lồ, cho nên hạn chế kết nối thiết bị này với dàn audio cao cấp để không bị nhiễu ngoài ý muốn.
Không nên sờ mó, nhấn nhả, vuốt ve, gõ búng, bẻ xoay nhiều lần lên các thiết bị, loa đài Audio khi ghé tham quan các shop bán máy hoặc giao lưu tại phòng nhạc của dân chơi. Vì làm như thế chứng tỏ mình chưa biết gì về chơi audio!
Hạn chế hoặc không nên cố gắng mượn hay cho mượn các loại dĩa LP - CD quí hiếm, đèn hay dây nhợ đắt tiền, vì đa số người được cho mượn thích.... tò mò nhiều hơn thưởng thức âm thanh và có thể vô tình làm trầy xước, bay chữ và hỏng hiện vật => Mất bạn! Càng vòi mượn, tính chất mất mát càng cao!
Các máy móc Audio công suất có điện 100v - 115v chú ý xài các bộ nguồn công suất (ổn áp, BACL) càng cao càng tốt
Chỉ cho bạn bè mượn khi biết chắc nhà họ có ổn áp hoặc BACL lớn và hệ thống ổ cắm dây nhợ hoàn hảo.
Đóng gói và gởi hàng đi bằng PCN thì làm ơn đóng sau cho thảy rơi từ 0.5m (hàng nặng) hay 1.5m (hàng nhẹ) vẫn an toàn. Chứ không đóng kiểu che con mắt!
Mua thiếu, mua chịu, mắc võng, cò kè là vô hình chung chối bỏ sự hậu mãi và trách nhiệm của người bán. Mặt khác, với các sản phẩm mới, lạ và độc đáo hiếm có thì người bán ít khi trình khoe với mấy ông này, kaka.
Dây điện bị chập = nhảy CB bảo vệ. Dây tín hiệu bị chập = chả có âm thanh. Dây loa bị chập = Chết ngay con sò công suất hoặc OPT đèn!
Chở máy audio, loa đài đi vòng vòng bằng xe gắn máy chú ý coi chừng rơi mất các chi tiêt linh kiện như núm cọc loa, các nút vặn trên máy, chân máy, chân đinh. Nguy hiểm hơn, các linh kiện trên mạch nó bị lung lắc có thể không hát hay như xưa nửa!
Một dàn AUDIO trưng sao cho đẹp và ngầu (theo ý chủ nhân) thì chưa chắc có âm thanh hay
Ngược lại, một dàn máy có âm thanh hay và chuẩn thì nhìn rất hài hoà!
Khí hậu Việt Nam nóng ẩm, nên để máy ở chế độ Display khi tắt máy, còn 1 bóng đèn đỏ nhỏ hiển thị. giống như tắt TV bằng remote, tăng fô nguồn có điện sẽ làm ấm máy chống được ẩm mốc, an toàn cho các vi mạch điện tử, hạn chế được bệnh.... điên của máy.
Điểm ngọt trong vị trí thẩm âm là điểm cho âm thanh chuẩn hơn các điểm khác. Nhưng nếu ngồi lệch ở các điểm khác mà nghe thấy trật lất, hổng giống ai thì dàn máy còn nhiều vấn đề về setup trong trình diễn Stereo. Lúc này, tìm kiếm sự đồng phase là hành trình gian nan và kì thú.
Âm thanh chuẩn khi trình diễn đầy đủ các yếu tố rõ - chi tiết - cân bằng - độ động tốt - chất âm, màu âm không quá xa rời thực tế. Còn âm thanh hay thì có thêm yếu tố phụ: Sự thanh thoát trong biểu lộ!
Để tránh tổn hại hô hấp cho trẻ nhỏ chơi quanh quẩn gần dàn máy, bông trong thùng loa nên là loại bông an toàn chứ không phải là bông Amiăng (Amiang) như các loại loa cổ. Các sếp thích loa cổ chú ý một chút về tính chất độc hại của bông lót loa trong thùng nếu nhà có trẻ em bò lết lung tung. Các cặp loa có lỗ thoát hơi thập niên 70 - 80 cũng là vấn đề cần quan tâm.
Mấy cặp loa vintage lâu năm, nếu có mấy cái biến trở vặn tăng giảm cho loa treble (như AR) thì bằng cách nào đó cố gắng thay mới cái biến trở đó hoặc phối hợp điện trở 10w cố định luôn. Nếu được như vậy thì cặp loa đã hay hơn rất nhiều lần vì cái khung âm nó thay đổi hoàn toàn: Tách bạch, chi tiết và thông thoáng bay bổng! Âm thanh đúng chất nguyên bản!
Setup bằng cách hút âm phòng nghe chính là làm cho phòng rộng hơn (ảo), vì vậy nên chú ý vấn đề về khu vực và vị trí cộng với công suất của dàn máy để có 1 căn phòng tốt nhất cho gu nghe của mình.
Phòng nghe nhạc dành cho các sếp đam mê âm thanh
- Phòng lớn: không nên lạm dụng các tấm mút trứng, bông hút âm.
- Phòng nhỏ: không nên lạm dụng các tấm có tổ ong, hang hóc, kệ sách kệ dĩa nhiều lỗ.
- Phòng trống: xử lí tiếng vọng trước khi setup (các loại gai như xốp hoặc gỗ).
- Phòng dài: hút âm bớt phần trần - vách bên - sàn (các loại bông, thảm).
- Phòng ngắn hoặc Vuông: hút âm bớt vách trước và sau (thảm).
- Phòng hở: Thua! Tùyyy ýyyyy huynh!
Các vấn đề về phòng hở (phòng mở toang cửa nẻo, phòng khách) thì áp dụng các thiết bị có khác hơn một chút như các loại âm ly có các chế độ tạo thêm hiệu ứng âm trường, âm chất (có nút tone và loudness), loa thì công suất khá, độ nhạy thấp chút và không chơi loa nén (loa không có lỗ hơi).
Chú ý nếu cảm thấy âm thanh của một kênh lớn hơn kênh bên kia (dưới 5%) thì đa số là do không gian và đồ vật, góc tường, vách ở 2 bên loa không giống nhau. Cái này ta phải sử dụng nút balance trên pre hoặc âmly lệch về bên để chỉnh cho cân bằng. Hãng đã thiêt kế thêm nút balance để trị các trường hợp này thì tại sao không dám xài. Còn nếu bên to bên nhỏ thì kiểm tra toàn bộ hệ thống và loại dần từng thành phần dây nhợ, thiết bị đầu, cuối để xem coi thằng nào là tác nhân.
Muốn triệt phá thế góc vuông của tường nhà, phòng nghe - các góc tường là nơi tạo cộng hưởng âm thanh không mong muốn - thì để vào đó các ống tròn cứng đường kính 10 - 20cm, ví dụ như ống nhựa Bình Minh, đổ cát vào, bít 2 đầu rồi bọc vải lưới loa cho đẹp (cuối trang 4 của em đầy lưới loa kkk). Có thể đặt ở góc phòng hoặc treo lên trên cao cũng đẹp.
Vấn đề hút âm trầm, âm dội trong góc tường lại khác
Ống không cứng nữa mà phải khoan thật nhiều lỗ 5 - 10mm, không đổ cát nữa mà nhét bông hút âm vào, đây là bass trap và đường kính có thể lớn hơn nữa. Mẹo nhỏ, các sếp có thể ra các cửa hàng mây tre lá, sắt trang trí mỹ nghệ chọn mua mấy cái hộp đèn, khung trang trí cao từ 1m và theo ý thích thẩm mỹ. Mang về thi công thêm bông hút âm bên trong là ra ngay cái bass trap hehe.
Setup, trang âm cho phòng nghe quá long trọng, hù dọa thì mau bị bức bối, không thoải mái khi thưởng thức âm thanh đỉnh cao vì có cảm giác chật hẹp. Setup một phòng nghe nhạc có tính cách thoải mái (các vật liệu trang âm ẩn chìm trong tính trang trí) nhẹ nhàng thì hiệu quả rất rõ ràng.
Setup phòng nghe là để tìm kiếm linh hồn (nhạc tính!) của âm thanh chứ không phải là nơi biểu diễn hiệu ứng âm thanh (stereo)
Đó là bằng mọi cách nhằm triệt tiêu hết mọi tác nhân, mọi tần số gây nhiễu, gây ồn để làm cho phòng nghe được tĩnh nhất (chứ không phải bị câm) để làm chi? Để tất cả các âm thanh phụ, phảng phất đâu đó được "ửng" lên nhẹ nhàng trên cái nền âm chính mà phòng thu Audiophile đã cố tình ghi âm và thách đố chúng ta khám phá. Các âm thanh phụ này nó hoà hợp với không gian âm thanh chủ đạo tạo nên một thứ âm thanh đơn giản nhất mà ta đã biết nhưng... quên! Không quan tâm sâu sát: "Âm thanh tự nhiên" và ự nhiên "nổi da gà" luôn.
Cho nên, đồ nghe ngoài chợ, cửa hàng nghe ấn tượng thì lúc mang về nhà lại nghe thấy dở ẹc thì cũng là bình thường vì ở nhà có phòng vách đầy đủ nên nó dội, đập tùm lum.
Các hãng sản xuất nó có làm nhiều model dùng trong phòng kín, phòng hở, ngoài trời cho nên cẩn thận một chút khi xuống tay. Ví dụ như có nút loudness, treble, bass chắc chắn là có thể chơi khắp mọi nơi. Còn âm ly trống trơn chả có cái nút nào ngoài volume và selector thì chỉ chơi được trong phòng kín và chỉnh chu. Hehe, mấy ông chửi loại âmly này chắc cú là chơi ở phòng hở rồi.
Các ông thầy hướng dẫn và dìu dắt đệ tử tập tễnh chơi audio thì làm ơn hạ bớt cái "tôi" hoặc cái "đẳng" của mình xuống, không áp dụng cái gu của mình cho đồ đệ mà phải đi đúng từng bước cơ bản của âm thanh Stereo để cả hai khỏi bị tẩu kakaka.
Trong tất cả các thú đam mê trên đời nói chung và Audio nói riêng, không có chuyện.... nhảy một bước tới trời!
Có thể dàn máy âm thanh của bạn có cuộc bứt phá ngoạn mục về chất lượng và đẳng cấp trong vài ngày, nhưng tư duy audio, cũng như các kiến thức phổ thông nó tiến từng bước, từng bước như đi học. Không có chuyện mới quay qua, quay lại thấy thành... giáo sư và đi rao giảng khắp.
Cái cách bạn đánh giá về 1 sản phẩm audio hay dàn máy rồi tư vấn bằng cảm nhận chủ quan cá nhân thì cũng có thể biết hoặc mường tượng ra rằng bạn đang ở.... giai đoạn nào trong sự nghiệp chơi Audio!
Mạnh dạn thử đảo Đỏ - Đen của dây loa phía sau thùng loa, đảo cả 2 loa. Nếu thấy âm thanh đầy đặn, thoải mái hơn kiểu cũ thì cứ để vậy chơi luôn, đúng phase rồi! Còn ngược lại, thấy âm thanh "đanh" hơn thì trở về như cũ. Một sự trải nghiệm lí thú và thật rẻ tiền.
Các sếp chú ý, đối với các cặp loa có 2 cầu loa (Bi-wire) không nên cắm dây loa vào kiểu bắt chéo vì nó chẳng giúp ích gì cho hệ số an toàn mà nó làm cho hiệu ứng của cặp dây loa chính sang trọng và đắt tiền kia không phát huy hết công năng vốn có của nó. Nghĩa là nó hát... tào lao mà thôi!
Sự cố về loop ground noise
Dây nguồn tiêu chuẩn đã có sợi mass, dây AV (bông sen, RCA, balance, din 5) cũng có phần mass liên kết với nhau bên trong dây cho nên không phải câu mass tùm lum trong dàn máy (mỗi máy câu thêm 1 sợi dây mass) là 1 phương pháp hay. Nếu thấy có thêm ù xì thì cũng đừng nên ngạc nhiên.
Bảo vệ an toàn thái quá cho dàn máy cũng là 1 cách phá hoại âm thanh.
Vách và trần phòng nghe với vật liệu mềm (vách gỗ, nhôm, trần thạch cao, nhựa), chú ý sẽ tạo cộng hưởng phát sinh hạ âm (ù, rền, ầm ì) ngoài ý muốn rất khó chịu với các loại dàn công suất lớn (>50w/ch). Vì thế, khi thiết kế phòng nhạc nên tô xi măng trần thay vì ốp thạch cao. Vách tường cũng vậy, lúc xây gạch nên đè xi măng kín kẽ hơn bình thường.
Cái phòng nghe mà bạn đang sử dụng có thể trước đó có thể chỉ là căn phòng bình thường để sinh hoạt gia đình. Tất cả hệ thống điện trong tường và bên ngoài là một trận đồ thiên la địa võng với các chồng chéo nhau ở các đấu nối gia dụng. Hiện tượng loop ground, thiếu tải, nhiễu điện từ phát sinh ảnh hưởng rất lớn sự an toàn và âm thanh tự nhiên của dàn máy Audio. Vì vậy, nên kéo riêng một dây nguồn từ công tơ về dàn máy (tệ nhất thì chỉ cần 1 sợi dây đôi 2.5 trở lên thì cũng đã thấy sự khác biệt lớn rồi).
Trải 1 tấm thảm trước dàn audio làm giảm khá nhiều độ ồn, giúp cho loa trình diễn tốt hơn!
Không cứ gì mà cứ phải cọc loa đúng Đỏ - Đen thì cắm dây loa đúng Đỏ - Đen. Phải thử cắm ngược lại (Đen - Đỏ) ở loa để tìm kiếm âm thanh hợp lí nhất (độ đồng phase). Hợp lí nhất nghĩa là âm thanh có cảm giác trôi nhẹ nhàng ra khỏi loa!
Thêm vào hệ thống 1 cặp loa có dãi tần cao chót vót (super Treble, siêu trép) với bộ cắt hợp lí, cái không gian âm thanh tức thì thay đổi hoàn toàn, mọi chi tiết cảm thấy bay bổng và sảng khoái, nếu chỉnh cho có cái treble thì vứt đi.
Không có bộ phân tần hợp lí thì cặp super Tweeter cao cấp và quí phái kia của các sếp sẽ chỉ phát huy được 50% khả năng mà thôi! Đó là nó kêu như ý muốn, chứ không phải đem lại cái cảm giác kì thú khi thấy được rằng dàn audio đã trình diễn khác trước rất nhiều. Thêm 1 super woofer với mức chỉnh âm nền (ầm ì) tối thiểu - cảm giác không gian ấm cúng hẳn lên (nếu chỉnh cho ra.... con bass thì vứt đi.
Các con tụ dầu to đùng,bù AC có chỉ số thấp (8uf - 40uf) chỉ hiệu quả ở dàn máy có tiết tấu mạnh, nhanh với các thể loại nhạc hùng tráng) ở các máy công suất nhỏ như đèn,nghe chậm, bi ai, tiếng có thể "hừng" hơn nhưng chưa chắc đó là hay hơn!
Làm vệ sinh các tiếp điểm audio như selector, RCA, thậm chí đầu mỏ hàn
Thì làm cho sạch các vết bẩn, nám chứ không phải dùng vật sắt nhọn... cạo tróc lòi đồng ra nhe, tiêu chắc!
Mấy cái âm ly đèn cổ xưa thập niên 70- 80 nên đè ra thay tụ nối tầng hết để bảo vệ mấy cái bóng công suất khỏi bị đột tử chứ mà hô hào zin zin hoài, máy chạy nóng như lò than.
Các hiệu máy vintage, nếu chỉ lo thay bóng "mu la", mu léo ăng lê gì đó cả ngàn Trump mà không nâng cấp các linh kiện chủ lực bên dưới gầm máy (nhất là tụ nối tầng) thì có ngày Trump cũng xí lắc léo luôn. Rồi nếu đã nâng cấp cái gầm máy rồi mà phụ kiện đấu nối như cọc loa, RCA, đuôi nguồn không thay, sợ mất zin thì chỉ nghe được 70% sự thay đổi mà thôi.
Các sếp đang xài BACL của Isoline chú ý đấu nối dây coi chừng chạm các cọc điện liền kề nhau (220v đụng 215V hoặc 100v đụng 120v) vì chạm như thế, thoạt tiên hệ thống bảo vệ cóc biết và chỉ trong vài chục giây sau (cho đến khi CB nhà hoặc phòng sập) thì Isoline đã đi về nơi cuối trời.
Mấy cục BACL có hình dáng li kì đang lưu thông trên thị trường hiện nay, có thể được đấu nối lại để có giá trị dòng điện hữu dụng, nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn là đôi khi có mấy cục đấu dây ẩu, không có giá trị sử dụng (mất công suất) và nguy hiểm cho dàn audio.
Giá trị lớn của việc thi công đấu nối các ổ điện và thùng hộp cho BACL là cả một nghệ thuật liên kết
Nhằm tăng cường hiệu suất và hiệu quả tuyệt vời cho sự trình diễn cho dàn audio, độ bền tuyệt đối cho thiết bị, chứ không phải chỉ làm cho đẹp bên ngoài thật hầm hố mà thôi.
Các sợi dây tín hiệu và dây loa có thương hiệu nổi tiếng. Nếu thi công làm jack chú ý có lớp cách điện ở từng tao nhỏ (hàn chì không ăn) thì không được gia công bằng cách định vị ốc vít vì điểm tiếp xúc không đủ để trình diễn audio, chỉ trình diễn róng rích mà thôi (một số model cao cấp Audio Technica, cardas,Kondo, audio note cables).
Các giáp (lưới) chống nhiễu bằng kim loại trên các loại dây nên đấu vào đầu nào gần mass chassis (hoặc mass đất) nhất.
CB tép của tầng có phòng nghe, áp tô mát, công tắc tổng trong phòng nhạc, thay cái công suất lớn hơn vào nghe khác liền tắp lự!
Đa số các sản phẩm đời mới (2000s) không được cắm lộn điện hoặc cắm lỏng lẻo. Tất cả các mạch khiển đều dồn vào 1 con IC chính, cho nên nếu con IC khiển này ngủm thì máy sẽ sống đời sống... thực vật!
Các sản phẩm xem phim cao cấp như Âmly. Chú ý các phích cắm điện phải thật ngon lành, nếu điện 100v thì ổn áp từ 5kvA để tránh các hợp điện không ổn dòng, gây chết mấy con vi khiển trong máy. Các dạng bệnh này chờ sửa chữa rất lâu!
Chú ý hạn chế tối đa nhét mấy cái dĩa CD chép hàng chợ (dĩa rẻ tiền, chép MP3, vài ngàn 1 cái) vào đầu đọc CDP cao cấp
Các IC điều tốc và nhận dạng làm việc nhiều hơn và quá tải, gây nóng và hư hỏng mạch vi xữ lí bên dưới ổ mắt (bo bụng). Rất khó và lâu để phục hồi sửa chữa (184A Bàu Cát 3 Quận Tân Bình).
Các cặp loa có độ nhạy càng cao thì cái nhạy cảm của dàn máy rất khủng khiếp, bất cứ sự thay đổi trong hệ thống dù là ở các vị trí nào cũng làm cho âm thanh khác xưa rất nhiều. Vì vậy, nếu muốn DIY dây nhợ, linh kiện, tụ tị, phân tần để nâng cấp thì phải cực kì chú ý đến sự liên kết chắc chắc các thành phần linh kiện vì chỉ cần sơ sẩy ở một vài mối hàn hoặc trạm dây nào đó thì bắt đầu trả giá ngay: Sự trầm ấm của âm thanh biến đâu mất tiêu! Như vậy thì ngay tức thì, ta sẽ đánh giá sai lệch về giá trị linh kiện và cả mấy thằng DIYer, chứ không phải sự vụng về của bản thân.
Mấy cặp loa cổ lâu năm, nâng cấp hệ thống dây nhợ bên trong cũng như thay tụ trên phân tần, thay cọc loa mới sẽ làm thay đổi ngạc nhiên đến bất ngờ cái không gian trình diễn âm thanh của nó. Mọi thứ đều linh hoạt hẳn lên và sự thoải mái đến tức thì!
Quá đáng và thật là quá kĩ lưỡng cũng như cầu toàn cho dàn audio, lo sợ đủ điều thì đây cũng là 1 tay phá hoại có hạng! Phá hoại âm thanh lẫn dàn máy.
Các đại gia cũng là các tay chơi phá hoại có tiếng, mua đồ của mấy ông này rất thơm - tuy nhiên, đa số phải tiểu tu lại một chút mới xài được
Khó mà có chuyện về việc nhận định hoặc đánh giá 1 máy Audio của số đông dân chơi mà thua vài nhân vật nào đó tỏ ra uyên bác, nhiều ý kiến chủ quan và đầy máy móc.
Dân chơi quá khó khăn trong việc kê kích dàn máy và dàn loa trong phòng nghe, kê kệ sát tường, cấn dây tùm lum. Kê loa sát kệ, bớt cản lối đi, kê dàn sát rịch, nghĩ là gọn ghẽ thì xin lỗi, nghe nghêu ngao cho vui thôi. Đừng nghĩ tới âm thanh sâu sắc nữa, đầu tư tá lả chỉ tổ uổng đạn!
Một dàn âm thanh thoạt nhìn thấy có yếu tố trưng bày cho cân xứng và đẹp mắt, hầm hố và hù doạ thì khả năng trình diễn của nó đạt được 50% cho audio, 50% còn lại thành công ở.... cảm quan và "giao lưu" cộng đồng. Cái máy CDP có tín hiệu "mong manh, dễ vỡ" nằm kẹp chung quanh 2 cục power to đùng, bên trên thì cái pre cũng không kém phần hoành tráng. Mặc dù các hãng đã thiết kế tránh các tương tác điện từ giữa các thành phần máy (nghĩa là 2 máy sát nhau sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiễu điện từ) nhưng sự ảnh hưởng là cũng có nếu để máy sát nhau, hoặc chồng lên trực tiếp.
Một cặp loa hay khi nó phối ghép hoàn hảo với âm ly và phòng nghe để cho ra 1 thứ âm thanh tự nhiên và thoải mái nôm na hơn, nếu ngồi lệch điểm ngọt một chút thì cũng không có vấn đề chi!
Dây nhợ có thể bện hoặc xoắn lại với nhau để triệt tiêu nhiều tần số chói gắt, giúp âm thanh bớt ồn hơn
Một cặp loa thùng to, bass lớn có cái hay riêng. Thùng nhỏ, bass nhỏ (bookshelf speaker) có các đặc sắc riêng, không thể so sánh được, cũng giống như nghe đàn guitar với mandoli, tuỳ theo sở thích, khả năng và phòng nghe mà quyết định.
Để 2 cặp loa thùng kế bên nhau rồi nghe tào lao chơi cho vui thôi chứ cóc có tác dụng thuởng thức âm thanh, thẩm âm, so sánh hay thi thố chi cả! Các vách đứng của cả 2 thùng loa nó chi phối nhau và triệt tiêu hoặc cộng hưởng thêm các tần số làm âm thanh vốn ồn càng ồn và lùng bùng hơn. Điều này cũng đúng khi để loa sát rạt mấy cái kệ tủ, bàn, giường. Đa số các cặp loa, bên trong gắn các củ bass, mid có lõi từ ferit mạnh khiếp, hạn chế để gần dàn máy vì khu vực hoạt động các đường tín hiệu rất kị với từ trường (nhiễu từ).
DũngAudio (Saigon) lượm lặt...
"Chơi âm thanh đỉnh cao là tái tạo (cố tình) lại âm thanh của phòng thu (studio) chứ không phải chỉnh sửa (vô tình) âm thanh đó. Đại đa số chúng ta lúc nào cũng bị trăn trở bởi vô số các loại chất âm này, chất âm kia. Trong khi đó, chỉ cần sự tương tác tốt giữa từng cái máy và cân đối phòng nghe lại chút đỉnh là ta có thể thưởng thức hết được cái tuyệt vời của âm thanh. Tất cả các màu âm, chất âm tình cờ sẽ đâu vào đó. Không cần chỉnh sửa gì ráo, một khi không gian âm thanh đã tương đối hoàn hảo."
Nói tóm lại, chúng ta thực chất là đang nghe.... dòng điện hát! Từ điện tường 220v AC cho đến dòng điện ra loa, cũng AC với từng vôn một, thì tất cả các thiết bị trên dòng điện đó chúng ta nên đầu tư tốt nhất có thể nhằm vào mục đích cuối cũng: Dòng điện đẹp! Âm thanh hay!
Cái khủng khiếp ở đây là dòng điện ra đến loa nó không phải là 50hz đều đều như cấp cho cái quạt điện (dễ dàng tính được công suất cần thiết và hữu hình), mà nó dao động rất nhanh và cực nhiều các biên độ tần số (từ vài chục Hz cho bass trầm, cho tới cả chục KHz cho mid treble) dồn dập và nhanh lẹ như thế thì máy móc phải như thế nào, thiết bị, dây nhợ phải như thế nào để sắp sếp lại cái đống hổ lốn đó thành một trật tự lớp lang, uyển chuyển và đầy nhạc tính?
Hãy đầu tư trước các phụ kiện cho thiết bị điện nguồn thật ngon lành để sau này thẩm âm, đổi âm, test âm được chính xác hơn.
Muốn cho cái kết âm thanh từ loa đầy sáng tạo và hoành tráng mà bộ nguồn phía trước (ổn áp, BACL, CDP) yếu xìu thì dộng cái âm ly dữ dằn vô nó cũng chỉ gào la rầm rĩ thôi chứ cóc có hát cái chi ra hồn cả!
Bình luận