Tại sao nên làm công tắc tổng cho dàn máy mà sử dụng các loại breaker có công suất thật lớn?

Tại sao nên làm công tắc tổng cho dàn máy mà sử dụng các loại breaker có công suất thật lớn trong khi cả hệ thống dàn máy chỉ ở vài trăm W?

Nên nhớ, dàn máy của chúng ta là nơi thể hiện tính biểu diễn của dòng điện. Có nghĩa là ta nghe dòng điện hát theo đúng nghĩa đen! Dòng điện tín hiệu trong dây RCA là dòng điện xoay chiều (giá trị mV & mA), dòng điện từ âm ly ra đến loa cũng là dòng điện xoay chiều (giá trị từ vài mV đến vài vôn & mA) và 2 dòng điện kia biến thiên dữ dội để thể hiện các âm thanh (20hz -> hơn 20kz) chứ không phải đều đều 50hz như điện đầu vào của điện lực.

Các thành phần trong hệ thống (nhất là âmly) phải hoạt động cực kì linh hoạt và đáp ứng tức thì các xung lệnh từ nguồn phát thì công suất nguồn càng lớn càng càng đáp ứng lẹ và tốt hơn.

Các bài toán tính công suất cho dàn audio dựa theo catalog rồi suy ra công suất cần có thì trật lất hết

Các loại dây nguồn tổng, dây cắm máy,... từ cao cấp đến hàng theo máy, các sếp hãy cắt lát ra mà kiểm tra, cái ruột dây tiết diện khá hớn, từ 1mm đến hơn 3mm đường kính lõi đồng dẫn điện, không phải đơn giản là sợi dây nó lớn như vậy mà nó không có tác dụng tích cực cho âm thanh? Rất có tác dụng và các sếp nên nhớ rằng với lõi dây to như thế thì nó định dạng ở dòng cả trăm ampere (A) chứ chẳng chơi.

Vậy thì hà cớ gì phải có 1 bài tính toán cầu dao điện lực, hay cầu dao ở đâu đó to hơn hay nhỏ hơn rồi ly kỳ hóa thêm các định lí điện đóm cho nó... phức tạp.

Dòng điện mạnh mẽ và thông suốt có thể là yếu tố quan trọng nhất!

Và chính vì thế, các sếp hãy hình dung cái CB tắt mở điện đó nó cũng như là một sợi dây nguồn vô hình và đồng hành cũng dây nguồn tổng thì mới thấy tại sao chúng ta nên lắp đặt loại lớn để nó đồng bộ với hệ thống nguồn đã và đang được đầu tư nghiêm túc - đắt tiền. Các bài toán vật lí điện kết hợp với các bài toán tiết kiệm mà chúng ta rất đễ dàng tính được, rất chính xác, rất khít khao, rất hợp lý về kinh tế. Nhưng nó chỉ hợp lí với nhu cầu tiêu dùng mà thôi. Với cuộc chơi giải trí tiêu khiển, mọi sự tính toán phần lớn nó làm mai một dần thú chơi của chúng ta.

Việc ta hay thường xuyên bật tắt hệ thống mỗi ngày => cần sản phẩm thật tốt và có độ bền cao. Bỏ qua yếu tố bảo vệ chống quá dòng vì điều này đã có các loại cầu chì trong máy đảm nhiệm nhanh hơn. Vấn đề chính là cần 1 dòng điện khoẻ để cung cấp một cách tức thời cho cho toàn bộ nguồn sau đó, cuối cùng là mong muốn yêu cầu đạt cho đươc âm thanh hay.

 

Các loại công tắc có công suất lớn đảm bảo các thanh lưỡng kim và mặt vít tiếp điểm bên trong có tiết diện lớn và rộng, có thể chống lại hiện tượng "thắt cổ chai" khi điện áp mạnh đi ngang qua công tắc, làm giảm độ động của âm thanh. Sử dụng các loại công tắc hay breaker hàng công nghiệp chất lượng cao (không phải hàng gia dụng như các tiệm điện đang bán) khác nhau rất nhiều ở công năng. 

Vì nên nhớ, ở đây chúng ta bật tắt thường xuyên, liên tục. Ở những loại chất lượng cao thì qua thời gian dài sử dụng, nó vẫn hoạt động ổn định và đảm bảo các tiêu chí kĩ thuật vật lý và cơ học (nôm na là... hổng biết hư).

Đối với các loại breaker bình thường trên thị trường điện hiện nay thì người ta ít tin tưởng hơn để áp dụng với dàn máy audio vì chất lượng chưa chắc đảm bảo để cho âm thanh thật hoàn hảo. Sau đó tính đến vật lý cơ học thì độ bền để bật tắt liên tục có đảm bảo chưa? 

Lâu ngày, các bộ phận bên trong xuống cấp, bị rơ lỏng làm các tiếp điểm điện không áp sát như ban đầu. Hiện tượng hồ quang lâu lâu làm rổ mặt vít tiếp điểm, gây nóng (tăng trở kháng => sai dòng khủng khiếp) ổ breaker, có thể nói chưa hư hỏng gì nhưng rất xấu cho âm thanh. Lâu ngày thì rất xấu cho máy audio.

Để giải thích chuyên sâu hơn một tí là khi hệ thống điện có vấn đề về công suất quá nhỏ hoặc có sự cố thắt cổ chai vì nhiều nguyên nhân khác nhau như bị đứt tao dẫn dây điện, các mối nối lỏng lẻo, dây quá nhỏ, bị hở, bị ten, oxy hóa, bị nóng, thì tất cả những cái đó vô hình chung biến thành 1 hệ thống điện trở khổng lồ và không được thông suốt hoàn toàn (0 ohm) và lúc này nó có thể đã có trị số kháng trở khá cao, có khi lên đến vài chục ohm.

Và ta đã biết vật lý cơ bản là khi có dòng điện công suất chạy qua điện trở thì nó làm giảm hiệu điện thế tùy theo giá trị của điện trở đó. Mà cái điện trở ảo đó chính là ổn áp hoặc các loại nguồn BACL, lọc điện, ổ điện, chất lượng càng thấp, công suất càng nhỏ thì sẽ làm giảm hiệu điện thế từng cơn khi có hiện tượng nuốt điện ở máy chủ (power amplifier).

Cuối cùng, nói một cách đơn giản hơn, để bảo đảm tính thường xuyên, liên tục, lâu dài và có áp tốt => Phục vụ cho audio nói riêng => Nếu ở vị trí nào dùng công tắc bật mở liên tục thì kiếm cho được linh kiện cực tốt và công suất lớn.

Ngoài các loại dành riêng cho audio (for audio) quá tầm tay của nhiều người (for audio: Chỉ cần mạ vàng hoặc bạc cái tiếp điểm và các đinh ốc trong sản phẩm thì đạt chuẩn) thì hàng điện công nghiệp cũng là 1 giải pháp hữu hiệu để chúng ta yên tâm không lo nghĩ về bộ nguồn đã được đầu tư tốt từ ban đầu. 

Có loại đời mới nhỏ gọn nhưng mỏng manh hơn chứ không thô và cày bừa như mấy loại này (các sếp tắc mở 1 ngày ít nhất 2 lần). Với lại, làm công tắc cho nguồn cho dàn máy không cần loại chống rò, chống giật hiện đại, chỉ cần công tắc xịn và khỏe, có mạch chập bên trong lớn đảm bảo dòng điện đi qua không bị... ùn tắc bởi trạm thu phí này.

Cái CB này, em muốn nhấn mạnh là nhằm đóng mở nguồn cho ngon thôi chứ không nhằm các tác dụng khác. Bảo vệ cho dàn máy có mấy cái cầu chì bảo vệ rồi. Cái này nhiều sếp quá kĩ lưỡng với cầu toàn. Bảo vệ khắp nơi trên dòng điện tạo các nút cổ chai... Cho nên độ động và tính nhịp nhàng hay hùng tráng của âm thanh trên một 1 bài nhạc bị hụt hẫng mà cứ tưởng rằng âm ly yếu công suất.

Em thường hay nhắc nhở các sếp rằng nâng cấp cái CB nơi cái phòng có dàn máy audio là phải chơi cái có công suất lớn. Cường độ (A) bự vào (cường độ - tính bằng Ampere). Thường thì CB điện của từng phòng trong nhà, thợ điện họ gắn theo tiêu chuẩn cho nên có thể ở mức 20A mà thôi, mà mấy cái ông thợ điện thực tập sinh đi rông không biết chất lượng chuyên môn cỡ nào?!

Các sếp thân mến! 

Tiện đây em cũng nói thêm vì có nhiều sếp trăn trở tại sao phải đầu tư cao quá. Mọi tính toán cho công suất tổng của dàn máy, từ ổ cắm, dây nguồn, công tắc, BACL, lọc điện, chúng ta không nên tính theo các bài học vật lý và kinh tế. Vì ở nơi đây, trong cuộc chơi audio này thì rõ ràng chúng ta đang sử dụng hàng tiêu khiển đắt tiền, chứ không phải là hàng tiêu dùng.

Ngoài lề:

Dân chơi audio hiện nay đã hầu như hiểu và thấy được tầm quan trọng của thiết bị nguồn cho dàn máy. Qua thời gian thì hình thành nhiều trường phái và quan điểm khác nhau:

1. An toàn... tính mạng khi chơi audio: Đầu tư sâu vào các thiết bị chống giật, mass đất, BACL. Ít quan tâm đến tác dụng và cấu hình của thiết bị ảnh hưởng thế nào đến âm thanh.

2. Đảm bảo an toàn cho dàn máy: Đầu tư chuyên sâu và hệ thống bảo vệ chống quá áp, tính toán công suất chi li đến cực đoan. Chỉ số voltage luôn mong muốn tuyệt đối mà quên rằng mấy cái mối nối điện trong tường. Ổ cắm không đạt chuẩn thì dàn máy tiêu nhanh hơn mình tưởng.

3. Am hiểu về bài toán kinh tế khi đầu tư sao cho tiết kiệm nhất. Không thừa nhiều. Không thiếu chi. Nhưng quên một điều cơ bản: Đây là hàng tiêu khiển chứ không phải hàng tiêu dùng! Âm thanh nó tiếng nói riêng của nó.

4. Mong muốn cho dàn máy chơi hay nhất có thể: Không ngại tìm hiểu và áp dụng ngay khi thấy hiệu quả. Ở các dàn máy cao cấp thì chuyện rò, giật hầu như không có. Không sợ điện áp trồi sụt vài V, chỉ sợ âm thanh chưa hay!

5. Con bệnh cuối này nặng hơn: Dòng điện sau khi qua bộ nguồn thì đi thẳng vào máy luôn. Cắt bỏ công tắc máy với cầu chì ráo. Hư bỏ! Âm thanh mới là quyết định. 

Nhưng có mấy ông khéo tay và chắc cú. Đa số tay chân lọng cọng thì không nên áp dụng phương pháp này, kẻo tiêu hết cả dàn máy. Em từng thấy nhiều sếp nghe ai đó xúi tháo bỏ công tắc, chuôi nguồn vì muốn đấu nối trực tiếp dây vào ổ cắm bằng cách: Tuốt dây, lấy tay se xoắn sơ sài sau đó dùng băng keo điện quấn lại... Xong! Lên web viết review: Hay quá. Rất lâu sau đó mới biết: Tầm bậy quá! Mình ơi! Dàn máy có tiếng u u như quạt máy mậu dịch đang hoạt động. 

Dòng điện đi trực tiếp là tốt nhất, nhưng đấu nối tầm bậy nó tệ hại gấp trăm lần!

Ổ nguồn 

Các sếp chú ý là trước khi nâng cấp cái chi chi đó như lọc nguồn, cách ly,... thì thoạt tiên nên quan tâm đến việc đấu nối nguồn tổng cho ngon lành hoặc nói rõ hơn là cái ổ cắm điện trên tường phải là number one cái đã nhe. 

Thay cái công tắc hoặc CB cấp điện cho khu vục ổ điện dàn máy hoặc hệ thống ổ điện phòng nơi có dàn máy hoạt động với loại công suất CB lớn gấp 3-4 lần cái cũ.

Kết quả thoạt tiên hiệu quả tức thì, đó là tiếng bass hay lên thấy liền. Yes sir! Căng tròn và BỰ. Đây là chỉ số điện thế Voltage (V) dao động ở mức cho phép mà hầu hết các máy Audio chấp nhận được - các sếp không nên quá cứng nhắc đòi hỏi điện thế lúc nào cũng y như... in ấn mà đầu tư ổn áp đè tùm lum để sau đó, có thể âm thanh nó dở nhiều mà không biết.

Bình luận