Vài dòng về setup phòng nghe gia đình
Âm thanh trong phòng thu, mà cái cơ bản là cái CD nhạc ta đang cầm trên tay. Các hãng đĩa họ ghi thật là chi tiết với từng con âm thật sự chính xác, không ưỡn ẹo lượn lờ. Âm thanh phát ra từ cái CDP càng lớn tiền thì nó có âm vực dày hơn CDP rẻ tiền hơn. Nhưng tất cả đó là thứ âm thanh của studio, âm thanh của phòng thu, hoàn toàn trung thực và thể hiện đúng cái đẳng cấp của từng nhân vật, từng nhạc cụ trong một bài hát.
Đầu phát - CDP
Và bắt đầu từ đây, các hãng sản xuất máy - mà khởi đầu là đầu phát (CDP). Rất nhiều các hãng, các thương hiệu khác nhau mà cái kiểu thể hiện âm thanh, âm chất, âm trường cũng thiên hình vạn trạng. Mấy cái kiểu hát đó ai thích kiểu nào thì nhào vô kiểu đó, nhiều bài review ca ngợi, lời đồn bóng gió... cũng làm cho dân chơi xôn xao! Cái vấn đề chính ở đây là đẳng cấp thương hiệu của CDP, đẳng cấp của từng model.
Thương hiệu nổi tiếng rồi thì khỏi lăn tăn nó kêu ra sao, mà cái đẳng, cái model mới là yếu tố quan trọng. CDP càng khủng thì âm vực của nó rất khiếp, các chi tiết âm, các tần số âm, các con âm nó dày cui, đĩnh đạc và đầy uy lực.
Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là cái mà dân chơi hay bị quên chút xíu: Các đầu phát CDP khủng có trường âm rất rộng và độ ồn cực thấp.
Chúng ta phải hiểu và khai thác hết cái đáng đồng tiền này để tránh đầu tư lung tung quá uổng. Các hãng cho ra rất nhiều model khác nhau là nhằm khắc phục các điểm mạnh yếu của phòng nghe (phòng hở, phòng kín), các chất âm khác nhau để đánh vào sở thích và cái cuối cùng là âm trường (phòng rộng, phòng hẹp).
Âm thanh nó phát ra tiếng dày hoặc mỏng, nó làm cho nhiệm vụ của em âmly được thảnh thơi hơn hoặc cật lực hơn. Ví dụ như các CDP Teac hoặc Esoteric hoặc nhiều thương hiệu khác có thể mô phỏng từ Teac, chất âm thì đặc trưng khỏi bàn. Ở đây chúng ta thấy rõ là âm trường của nó là rộng và dày, tiếng rất thô mộc.
Chỉ cần có ai than vãn là Teac nghe sáng quá thì biết ngay anh chàng ngồi nghe quá gần cặp loa rồi (phòng nhỏ). Dàn máy setup không hợp với nó thì cũng lãnh đủ.
Với các trường hợp này thì các thương hiệu khác có âm vực nhẹ nhàng hơn cho phòng vừa và ấm áp được người bán giới thiệu, ví dụ như các thương hiệu có dính dáp đến Phillips... Để chuyên phục vụ cho audiophile, các sếp nên nhớ là không có thương hiệu nào là dở hết, chỉ có dân chơi… ẩu thôi!
Mỗi hãng có 1 tính cách riêng - tiếng dày, tiếng mỏng, tiếng ấm, tiếng sáng, tiếng mộc, tiếng mượt... để cho chúng ta lựa chọn và rồi về phối ghép cho chính cái phòng nghe của riêng mình. Đồ lớn chơi dày, đồ chuột mỏng lét, không có chuyện dùng âmly hoặc bất cứ cái chi (EQ, máy tính) để biến cái CDP chuột nhà thành chuột túi Kangaroo được!
Cái Pre! Nhiệm vụ của cái Preamplifier
Là gọt giũa, tinh chỉnh bớt cái hum, cái ồn đa tần số mà cái CDP hoặc dây nhợ bị…phơi nhiễm RF. Sau đó khuyếch đại lên vài chục lần.
Tín hiệu âm thanh, nom na sau khi đi qua cái pre thì nó có phần tròn trịa, nét hơn trước nhiều... Vấn đề còn lại là có có gọt sach trụi lủi hết hay không là tùy thuộc vào tính chất và chất lượng các linh kiện điện tử bên trong nó. Có nghĩa là càng dữ tiền càng hay! Âm thanh sau khi đi qua cái Pre thì ngoài sự trung thực ban đầu ra thì khi được vặn volume to hơn, tính ổn định của nó vẫn được giữ vững, không bị chồng lấn lung tung và cuối cùng thì độ ồn méo cải thiện rất nhiều khi không có pre.
Đầu tư cho cái Pre, ngoài thẩm âm để tìm kiếm sự hài hòa cho nó với power (kháng trở vào ra phù hợp) thì đẳng cấp của nó quyết định hoàn toàn âm thanh to rộng trong phòng nghe của các sếp! Không có chuyện đầu tư cho có hình thức mà bảo nó hay được. Nếu thử CDP chơi thẳng vào power mà cảm thấy hay hơn thì cất cái pre đi, hoặc để làm kiểng cho vui mắt!
Có một cái pre chất lượng và ưng ý rồi thì người ta thường phát sinh ý nghĩ có thể nâng cấp cho nó hát hay hơn trươc được hay không? Còn tùy vào các trường hợp cụ thể. Đa số thường rơi vào các loại máy vintage hay pre đèn nhiều hơn. Các loại cao cấp và đời mới tạm thời loay hoay cho nguyên bản, để chừng chục năm nửa hẵng tính! Và đa số thì sự thành công là điều chắc chắn. Các con tụ tị lâu năm đã xuống cấp cần thay thế ngay (chú ý là thay thế rồi nâng cấp luôn, cho nên kiếm cái loại tụ cao cấp có dung kháng thích hợp và điện dung lớn hơn cũng tốt hơn).
Nâng cấp cái pre, các sếp nên đầu tư cho tới luôn nha, nó còn quan trọng hơn cục pow nhiều.
Power amplifier
Cục công suất, nhiệm vụ là để khuếch đại tín hiệu âm thanh to bự hơn gấp hàng ngàn lần để là cho cái củ loa nhịp loạn xạ và tạo ra âm thanh mà ta nghe thấy được. Âm thanh này nó biến động dữ dội và với các nhịp độ khá mạnh với tốc độ không đo đếm được. Các dao động cực thấp <30hz đến trung 1khz và đến cao >10khz.
Các loại tần số này nó phối hợp, đan kết, bổ khuyết và cộng hưởng nhau để tạo ra tiếng động hay âm thanh mà tai ta cảm nhận được. Vậy muốn cho cặp loa nó kêu hay muốn nó hát? Thế thì chỉ cần chú ý một chút xíu về trở kháng của nó và cặp loa, chỉ cần tương đồng thì ok la rồi.
Ví dụng như chơi loa 4 ohm thì power cũng đánh được với 4 ohm, hoặc 8 ohm, 16 ohm. Các sếp nên nhớ là không có chuyện Auto Ohm đâu nha. He he nhiều hãng cho phép chơi auto W hay auto Ohm bởi vì nó... chơi được hết, chớ có phải là hay hết đâu!
Cái này nó làm đau đầu dân chơi hàng thập kỉ nay, cứ mò mẫm phối ghép lung tung, nghe ông này bà kia phét tá lả, chém gió đứt diều, đụng cột điện tùm lum.
Thế nào là âm ly hoặc pow nó hợp với cục loa? Cái này đòi hỏi sự hên xui và yếu tố may mắn thần kì... bởi vì cái phòng nghe nó cũng bỏ thêm một chút mắm muối trong cái chuyện này, mà ko có mắm muối thì khỏi ăn luôn.
Cục pow nó không đòi hỏi nhiều chuyện thần kì như lời thêu dệt, có chỉ cần có 1 dòng điện thật sự khỏe mạnh, chắc cú để hoạt động. Các sếp chú ý dùng các loại nguồn, ổn áp, cách ly tốt và mạnh nhất có thể (dòng điện mạnh và ổn định thì âm thanh nó bớt rất nhiều tiếng ồn và các va đập, công hưởng gây rền hạ âm).
Các loại dây cắm điện nên to, chắc cú các mối đấu nối và các đầu jack với ổ điện miễn sau cắm thật chặc là yên tâm chơi nhe. Điện nguồn mà lớ quớ với mấy em power hoặc âmly khủng thì ăn đòn ngay khi có thể! Công suất bộ nguồn nhỏ thì hệ thống hát yểu xìu, hụt hơi, mà còn cắm điện lỏng chỏng với cái ổn áp chạy loẹt xoẹt hoài thì xin lỗi. Cuộc chơi sắp tàn...
Tất cả những gì tốt và mạnh mẽ nhất ta dành riêng cho cục power hay âmly. Tất cả những gì tinh tế nhất, cao cấp nhất, nhạy cảm nhất là dành cho cái pre và cái đầu phát CDP, ông sếp của những cuộc chơi.
Cặp loa
Tất nhiên, cặp loa là ông chủ của tất cả... ông, bà chủ của phòng nghe, chủ cái ông ngồi vặn volume luôn, he he he. Muốn có một hệ thống hay thì phải làm vừa lòng ông, bà chủ. Nâng cấp cho cặp loa ư?
Theo thói quen, nâng cấp cặp loa là tháo thùng ra dòm dòm, thay tụ, thay trở,kích thích phân tần, thay bông hút âm, thay dây dẫn, đục thêm lỗ hơi, thay ê căng, sơn phết tùm lum. Điều này đúng với các loại loa vintage lâu năm, chỉ cái củ loa huyền thoại là còn nguyên vẹn. Mấy cái thứ còn lại quanh nó tiêu điều qua năm tháng. Đa số con bệnh audio thế giới đang loay hoay ở phân khúc này, niềm đam mê và sự bền bỉ của họ làm cho ta ngưỡng mộ và khâm phục.
Với các cặp loa đời mới hơn, và có giá trị cao cho đến cao chót vót thì sao?
Cái vô hình hay cái thói quen vô tình mà ta không biết được hoặc biết cũng không hình dung là đang nâng cấp cặp loa: Đó chính là những lúc kê kích, chỉnh sửa vị trí tốt nhất cho nó. Setup vị trí loa thật hợp lí và trang trọng chính là một cách nâng cấp cặp loa cơ bản nhất, hiệu quả nhất và tạo nhiêu quả rất cao cho việc thưởng thức, nghe nhìn toàn diện!
Bất kể cặp loa nào cũng vậy, dù cũ hay mới, dù bự hay nhỏ, dù dữ hay không, một khi dùng để thưởng thức âm thanh đỉnh cao đều phải có sự kính trọng rõ ràng, anh ấy phải được đứng ở vị trí vip nhất trong phòng nghe. Chứ không phải là 1 khối máy móc đồ sộ, dựng đứng và thù lù một đống, nhằm… hù mấy em yếu vía mà thôi!
Ông, bà chủ là ở vị trí số 1, đẹp và đỉnh nhất, không thôi ổng la hét om xòm nhức đầu, nhức luôn cả xóm. He he thử treo ổng, bả lên tường hoặc nhét vào khe tủ là biết liền chớ gì!
Ông chủ bên phải, bà chủ bên trái. Hai ông bà này kê sao cho xa, gần hợp lí một chút theo tỉ lệ phòng nghe và khoảng cách đến người ngồi nghe. Điều này rất quan trọng trong trình diễn Stereo (âm thanh nổi).
Cách nhau dưới... 1,5m thì khỏi phân biệt đâu là ông, đâu là bà, ỏm tỏi luôn! Với một khoảng cách hợp lí nhất thì dung hoà trái phải là tuyệt nhất, phân biệt được từng tí một... ông hát bà nghe, bà phe phẩy, ông gật gù, bà ca ông bè. Hết xẩy con cào cào! Ông bà mà để xa nhau quá thì ông kêu, bà bĩu ngay. Cái cuối cùng, ông bà đứng lộn bên (lộn loa trái, loa phải theo bản thu âm) thì tránh ra chỗ khác! Đi nhậu! Chứ rặn nghe hằm bà lằng một hồi tẩu luôn.
Chung kết
Cơ bản nhất để dàn audio yêu quý được biểu diễn âm thanh hay nhất trong phòng nghe của các sếp, đó là thể hiện hóa tối đa yếu tố tĩnh lặng trong phòng nghe. Có nghĩa là độ ồn thấp nhất có thể. Audio cao cấp rất sợ độ ồn, độ ồn nó là yếu đi nhạc tính, yếu đi cái trong trẻo, yếu đi rất nhiều cái mà ta không thể ngờ đến!
Vì thế, với các việc đơn giản như sau, các sếp có thể làm cho dàn máy mình được hát hay hơn hồi nãy nhiều nhe!
Chăm chút lại phòng nghe để có được thứ âm thanh tình cảm, nhạc tính tốt nhất. Set up trang âm cực kì quan trọng để không bị triệt tiêu hoàn toàn các phản xạ âm cũng như không khuyếch đại thêm các âm tần ngoại ý!
Ngó quanh quất coi coi có nhiều hiện vật, có thể làm cảnh hưởng đến tiếng dội các quãng âm hay không, kê kích lại các thành phần máy, loa sao cho thật thông thoáng nhất (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Xê dịch hoặc hoán chuyển các cái máy theo đúng kĩ thuật để tránh hiện tượng can nhiễm xung nhiễu điện từ.
Không có chuyện máy audio bình dân nghe hay hơn đồ lớn - Máy càng cao cấp, chuyên nghiệp thì độ ồn càng thấp
Chăm chút các phụ kiện audio để tránh thêm hiện tượng microphonic cộng hưởng có thể xảy ra, tối ưu quá linh kiện chống nhiễu cao tần (RFI), dòng điện, dòng tín hiệu xuất sắc và thông suốt thì chắc chắc không nhiễm nhiễu kí sinh.
Tất cả các thiết bị được liên kết chắc chắn, kiểm soát thật kĩ - triệt tiêu các mối nối, jack cắm lỏng lẻo.
Công suất nguồn, BACL thật tốt, càng lớn thì âm thanh càng hay hơn hẳn!
Đến lúc này thì bảo đảm dàn audio của các sếp đã bước 1 bước rất dài, hơn hẳn ngày hôm qua rất nhiều. Rất hay và không bao giờ hư hỏng bậy bạ! Dứt điểm!
Một điều cuối cùng luôn luôn đúng là yếu tố quyết định đến mọi sắc màu cũng như cái cách nó hỗ trợ và nâng cao để thể hiện sự tinh túy nhất của âm thanh: Đó là nhạc tính!
Phòng nghe
Có một điều cơ bản nhất là tại sao Audio home cứ nhất thiết là phải để trong phòng? Có nghĩa là trong nhà? Audio home là phải để trong nhà chứ sao!
Yếu tố phòng nghe nó quyết định đến vấn đề là bạn thưởng thức âm thanh gia đình chứ không phải là loại âm thanh nào khác (studio, nhà hát, sân khấu, rạp hát, sân vận động...) và cái yếu tố quyết định audio home nó khác mấy cái loại kia ở chỗ nghe nó tình cảm hơn, chút xíu đó thôi!
Một điều quan trọng là các sếp setup phòng nghe ở một mức âm lượng nhất định mà mình thường nghe nhất, sự thẩm âm là tinh tế nhất. Chứ chả có cái phòng nào mở to, mở nhỏ mà ok như nhau cả! Bởi vậy mới có chuyện nói về sup woofer và super treble - he he), còn lúc để nghe nhạc vu vơ thì to, nhỏ không thành vấn đề!
Cái quan trọng ở chỗ là phòng nghe của chúng ta nó tạo ra cái delay (độ trễ) của âm thanh, đó là tiếng vọng!
Âm thanh, ngoài các tần số đến thẳng tai ta nó còn rất nhiều các tần số khác đến chậm hơn chút xíu: Đó là tiếng vọng lại của những tấn số âm được cấu thành do tiếng dội và cộng hưởng âm của kết cấu xây dựng, thể tích và không gian của phòng nghe. Chính cái delay này nó làm đau đầu cho rất nhiều dân chơi audio chuyên sâu!
Các tiếng vọng tích cực nó làm cho âm thanh phòng nghe thể hiện được cái gu và đẳng cấp của một dân chơi. Tùy theo cái sở thích là nghe loại nhạc nào là chủ đạo mà chúng ta setup phòng nghe theo thể loại đó. Nghe nhạc chậm, tình ca,vocal nhạc vàng, nhạc quyến rũ tình tứ thì rất cần tiếng vọng hợp lý. Trang âm dày dặc, triệt tiêu hết âm vọng thì giống như lôi ca sĩ ra nắng hát. Trong veo nhưng gay gắt lắm!
Thích nghe nhạc có tiết tấu nhanh hơn, trình diễn hơn thì tuỳ vào cái cách nghe mà nâng cao hơn công suất của dàn máy, trang âm nhiều hơn nữa để xử lí triệt tiêu nhiều hơn các tiếng vọng để thấy âm thanh dứt khoát và nhanh hơn (độ động cao) để có thể thích hợp và thưởng thức nhiều loại nhạc hùng hồn hơn như cổ điển, flamengo, hòa tấu, các dĩa CD Audiophile đầy thách thức! Nhưng nếu triệt tiêu hết tất cả các tiếng vọng tích cực thì dàn âm thanh này cũng khô lạnh và cộc lốc mà thôi.
Cái tiếng vọng (delay) này có gì mà ghê thế?
Các sếp nên nhớ là cái cách nghe, gu nghe ảnh hưởng rất nhiều vào các tiếng vọng này. Nói một cách nghệ thuật hơn, đó là sự "ngân nga của phòng nghe". Ngân nga ít, nhiều là do cái thể tích và cách trang âm phòng quyết định!
Một cái phòng nghe lý tưởng cho âm thanh là một cái phòng nghe nó hội đủ cái tính chất khoa học và nghệ thuật. Các cách xử lý âm học phòng nghe là làm cho âm thanh dễ chịu hơn bội phần, có thể ngồi hoài trong đó mà khi bước ra, các bực dọc hàng ngày trôi tuột hết, đầu óc thảnh thơi, chứ không phải ong ong mệt mỏi hơn!
Tổng hợp các âm thanh vọng, rền, va đập, bá dội đã trình bày bên trên hầu hết là 1 thứ âm thanh tiêu cực, nó làm cho dàn máy audio của chúng ta trình diễn không phát huy hết khả năng vốn có và làm hoang phí đồng tiền đầu tư.
Các sếp hãy chú ý một chút vào các cách trang trí và cân bằng âm cho cái phòng bằng các gia giảm hoặc tăng cường thêm các vật liệu để cuối cùng đạt được toại ý. Và sau đó, cái cách xử lý các tiếng vọng tích cực làm cho phòng nghe lí tưởng hơn thì Chính bản thân chứ không phải ai khác, phải tự trải, chiêm nghiệm, xử lí các vấn đề về vật lí cơ bản thì ánh sáng kinh nghiệm ngày càng rộng mở hơn.
Hiểu và nắm được nguyên tắc xử lí tiếng vọng trong phòng nghe hiện hữu theo cái cách (cái gu) thẩm âm riêng của mình thì các sếp hãy tự tin là mình đang đi đúng hướng. Bởi vì một ai đó tình cờ ghé qua nghe thử mà họ còn lăn tăn cái chi đó thì hãy hiểu rằng cái gu nghe của họ khác kiểu của mình, ai cũng đúng hết! Và giao lưu văn hóa với nhau mới toát lên cái tinh thần kết nối đam mê.
Dàn Audio đã setup một cách hoàn thiện nhất có thể, phòng nghe đã được chỉn chu nhất có thể thì điều cuối cùng, chúng ta còn mong mỏi gì nữa?
Trong cái cách thưởng thức âm thanh chuyên sâu hơn, khó tính hơn hoặc thậm chí là có tín ngưỡng hơn thì người ta chưa dừng lại ở đó.
Các tiếng vọng tích cực trong phòng nghe đã tạo được hiệu ứng stereo Audio home một cách tuyệt vời rồi còn điều gì băn khoăn nữa? Thật ra, trong các tiếng vọng đó vẫn còn một chút tiếng ồn kí sinh do sự nhiễm nhiễu điện từ chưa khắc phục được hoàn toàn do chất lượng của các thành phần dẫn điện gây ra. Thật nhỏ và nếu mở âm lượng to thì dễ phát hiện hơn! Cái cảm giác chung quanh giọng ca còn cái gì đó chưa được gọn ghẽ lắm. Nếu trong trẻo lại một chút thì tuyệt hơn. Và các sếp cũng đã biết, 1 điều cơ bản nếu làm cho dàn âm trong trẻo hơn thì nó sẽ làm cho âm thanh sáng hơn hoặc gắt gỏng hơn làm yếu đi nhạc tính.
Và để không làm mất đi yếu tố nhạc tính, sự lung linh,điệu đàng của âm thanh thì người ta nâng cấp các thành phần kết nối dàn audio bằng các phụ kiện xuất sắc nhất. Nâng cấp tất cả các thứ gì mà các hãng phụ kiện nổi tiếng thế giới sản xuất và khuyên dùng. Những cặp dây kết nối, những jack cắm nguồn, tín hiệu, những cặp bóng đèn quý hiếm. Những phụ kiện audio này thậm chí là còn đắt hơn cả cái máy. Một cái gì đó thật phi lý! Gây nhiều tranh cãi.
Thật sự là như vậy! Nếu các sếp cảm thấy một phụ kiện mới được thay thế vào dàn máy, nó làm cho âm thanh rất hay đang có sẵn, đột nhiên nó trong trẻo hẳn lên, tinh khiết hẳn lên nhưng nhạc tính vẫn không hề thay đổi. Âm thanh vẫn mềm dẻo và điệu đàng thật sự đó là 1 điều thần kì. Ít người để ý và cảm nhận được, và một khi đã cảm nhận được sự kì diệu của âm thanh rồi thì bắt đầu bước ngoặc lớn chuẩn bị mở ra cho một cuộc chơi hao công tốn của khác.
Vấn đề còn lại là do chúng ta thích cái kiểu thể hiện trong phòng nghe gia đình nó sẽ ra sao?
Cho thêm một chút tình, cho thêm một chút nhạc tính, cho thêm một chút phảng phất của chi tiết cảm âm? Thì đây! Rất nhiều linh kiện, thiết bị thay thế, nâng cấp, phối ghép, setup để cuối cùng có một dàn âm thanh gia đình (audio home) thực sự là kì diệu và mỹ mãn cho bản thân.
Chẳng có dàn máy nào đúng cả, chẳng có âm thanh nào là xuất sắc cả. Lúc đi qua các thiết bị điện tử chỉ có dàn âm thanh hợp lí và hay nhất ở thời điểm hợp lí nhất với cái hoàn cảnh hiện tại của từng gia đình, từng bản ngã của dân chơi đam mê audio...
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm chủ quan cá nhân. Các sếp thấy có chi sai sót thì em xin học hỏi và edit lại. Xin cảm ơn các sếp thật nhiều vì đã ủng hộ shop em thời gian qua.
Sài Gòn, 2015
Bình luận