Mẹo vặt và kinh nghiệm chơi Audio - Phần 1 - Biến áp nguồn thành phần quan trọng ảnh hưởng lớn đến chất âm
Lượm lặt tổng hợp - Phần 1
Thành phần quan trọng nhất, ảnh hưởng nhất đến quyết định chất âm của âmly, đầu CD
Không phải là con sò công suất, không phải là con mắt đọc.... mà chính là cục biến áp nguồn to đùng trong máy. Trước khi cắm điện để hoạt động một thiết bị phải thật cẩn thận xem điện thế bao nhiêu (110V - 220V) và tập thành thói quen. Chú ý máy phải để công tắc off trước khi cắm điện. Với các thiết bị... lập lờ, cứ cắm điện 100v rồi test thử cho chắc.
Mấy cái cục biến áp nguồn trong CDP, to đùng trong Âmly cao cấp nó đòi hỏi sự nguyên bản dữ dội. Nhất là với âmly đèn với vô số các biến áp to nhỏ trên đó, chăm chút từng tí một, từng nhãn hiệu, thương hiệu dữ dằn như Tango, Tamura... Nhưng nhìn về phía đầu nguồn tổng thì đang cắm vô 1 cái biến điện, ổn áp nhỏ xíu <2kvA, Made in... gì gì đó thì liệu dàn máy của chúng ta có hát được như ý với số tiền khủng đã bỏ ra hay không? Nên nhớ là ta đang nghe "dòng điện hát" đó nhe.
Có quá nhiều dân chơi chúng ta đầu tư, DIY, setup, chăm chút từng tí một cho từng sản phẩm, từng thành phần máy audio mà ngó lên cái đầu nguồn tổng cấp điện thì thấy cái cục biến điện hay ổn áp chất lượng... Đông Dương dùng cho sinh hoạt tiêu dùng nằm chễm chệ và công suất vừa ngoắm thật dễ thương!
Cuộc chơi hoàn thiện còn dài lắm Dự ơi!
Không được thử công suất của 1 âm ly hay cặp loa bằng cách vặn volume âmly hết ga
Cặp loa công suất lớn cỡ nào cũng tiêu hết. Volume máy chỉ là cái gain mà thôi, cóc dính dáng gì đến công suất! Ví như tay ga của xe chẳng dính dáng gì đến phân khối to nhỏ, phân khối to nhỏ gì mà cứ 60km/h mà phóng vô tường thì gặp ông Địa ráo hết. Trường hợp này nên đi gặp shop sửa loa Việt hùng gấp (011R Nguyễn Kim phường 7 quận 10).
Công suất âmly dù có khổng lồ cỡ nào mà cái đầu phát (CDP) nó cùi bắp thì xin lỗi, đừng thắc mắc tại sao dàn máy chẳng thấy hơi hám gì hết! Vặn ba cái nút treble, bass với loudness chỉ để... hù em thôi!
Nhất quyết không kiểm tra bằng cách đo các bụng kim Phono, step up, đầu từ băng cối, đầu từ cassette, các loại loa, nhất là loa super treble bằng đồng hồ kim vẩy vẩy vì pin 9V trong vol kế sẽ phá huỷ các cuộn dây trong linh kiện trong thời gian tích tắc, hoặc làm chai lì các kết cấu.
Các loại dây nhợ mua ở chợ và rẻ tiền sẽ làm dàn máy khá cao cấp của các sếp chỉ còn 50% khả năng trình diễn!
Vì tiếng ồn rất nhiều do thành phần kim loại bên trong không đồng nhất và trơn tru. Hãy từ bỏ ngay các quan niệm về các loại dây cũ, xưa và mốc meo do sử dụng quá lâu và tần suất cắm rút nhiều nó cho âm thanh ấm cúng. Không có đâu! Âm thanh nghe dồn một cục thù lù, trầm trầm tưởng ngỡ đã thành công.
Nó làm cho một hệ thống Audio đang bị phối ghép sai, chát chúa, gắt sáng trở nên dễ nghe hơn mà thôi. Nó dư thừa các cảm dung phát sinh là cho âm thanh bị bó tiếng, nó thiếu trầm trọng các tần số cao hữu ích để tạo một không gian âm thanh thông thoáng.
Các loại dây có bề mặt kim loại tốt thì sự thông thoáng trong trình diễn âm thanh là cực tốt. Vấn đề hay dở là do tiết diện từng tao dây (nhuyễn hay không nhuyễn), độ dài dây, kinh nghiệm DIY và phối ghép hợp lí của dân chơi!
Các con tụ thoát mass trong các cục lọc điện có công suất quá lớn (> 50A) có chỉ số điện dung không thích hợp
Nó làm mai một nhiều tần số cao, ảnh hưởng lớn đến không gian trình diễn của âm thanh. Nếu dàn máy bị dư sáng, nó cũng làm cho dễ nghe hơn nhưng đồng thời cũng làm lõm mất luôn các tần số cao quan trọng.
Lọc điện nên để sau BACL vì các tụ thoát trong lọc điện tạo điểm center thoát mass hoàn hảo, để sóng cao tần phát sinh trong hệ thống điện của máy audio được triệt tiêu hoàn toàn. Để trước cục BACL chỉ là 1 cái cớ để tiết kiệm chi phí mà thôi.
Vì cục lọc có tác dụng lọc ngược làm cho điện trong dàn máy được sạch hơn. Đó là tác dụng của 2 tụ ẩn nằm trong cục lọc ở đầu out, làm cho tiếng xi xi nho nhỏ trong dàn âm thanh có thể được khắc phục hiệu quả đối với các trường hợp nhiễm nhiễu nội vi phát sinh.
Không để các đầu phát (CDP - phono) gần các thiết bị nguồn (BACL - ổn áp - âmly - power amply)
Các ổ cắm và phích cắm điện lỏng lẻo: Đó là nguyên nhân chính gây tiêu tùng dàn máy đắt tiền của bạn!
Các thiết bị dây nhợ, jack cắm tín hiệu lỏng lẻo: Nguyên nhân làm cho dàn máy hát lỏng chỏng!
Khoan lỗ trên nhựa hoặc mica, cho máy khoan chạy ngược với tốc độ cao thì lỗ khoan... ngon ơ!
Luồn dây vào ống với các độ dài lớn (<6m) thì ngoài dây mồi còn cách nữa là dùng máy bơm hơi, vừa thổi gió vừa luồn dây.
Ngoài tác dụng y sinh học, dầu xanh Con Ó có công năng làm sạch các tiếp điểm điện, điện tử, đầu từ các loại máy dùng băng như cassette, Akai, dùng lau chùi mặt máy nhanh và sạch, lau chùi các vết ố dơ hiệu quả. Các sếp chú ý có nhiều vị trí các chữ in, hiệu trên mặt máy không nên chùi lên nhé, có thể có cũng bị bay mất vì mực in ngày xưa... dở ẹc!
Không khởi động ổn áp, BACL khi các máy trong hệ thống đang bật ON
Tuyệt đối không tắt mở các nút công tắc liên tục vì tò mò.
Tóm lại, chúng ta nên từ bỏ các thói quen không tốt (của VN) là chà xát lia lịa (lên mặt máy), rung lắc dữ dội (khi cắm rút các Jack nguồn, RCA, bắp chuối...), nhấn nhả, bật tắt lia lịa (các công tắc điện, bộ nguồn, mọi nút nhấn trên mặt máy), gõ, búng vào thiết bị (nắp máy, nón loa), sờ sờ và... nhấn mũi dome nhôm của loa treble!
Săm soi, cầm nắm và vô tình bẻ lia lịa các dây tín hiệu, dây loa, dây nguồn...Các thói quen này chứng tỏ bạn chưa biết chơi Audio. Tất nhiên, thói quen này có lợi cho thợ sửa chữa nhưng có nhiều cái thì không còn được như xưa nữa!
Vào nhà bạn chơi Audio để giao lưu và thẩm âm
Chúng ta không nên sờ vào các hiện vật mà chỉ nên nhìn ngắm. Nếu cần sờ mó thì nên xin phép chủ nhân. Mọi sự cầm nắm và vuốt ve, chà xát thì nó chứng tỏ bạn chỉ là dân khoái chơi máy và tò mò chứ chẳng phải là một Audiophile đích thực.
Tín hiệu từ âm ly ra loa nó chính là dòng điện xoay chiều cho nên cọc loa đỏ đen trên loa chỉ dùng để phân biệt màu để khỏi bị cắm sai màu với cái loa bên kia mà thôi. Dòng điện này không có cực âm dương gì cả mà chỉ là 1 cách nói cho dễ hiểu. các sếp nên biết rõ điều này để khi phối ghép 2 loa trái phải cho đúng bên với nhau (cả 2 cùng cắm đỏ, đen hoặc ngược lại (cả 2 cùng cắm đen, đỏ).
Thậm chí trên từng củ loa khi ta phối ghép loa diy trên hệ thống thì cũng có thể hoán chuyển đỏ, đen rất nhiều lần để tìm kiếm sự đồng điệu hay nhất của âm thanh.
Các cọc loa Đỏ - Đen trên Âm ly không nhất thiết phải kết nối đúng với các Đỏ - Đen trên Loa. Có thể hoán chuyển Đỏ - Đen thành Đen - Đỏ trên loa (đảo phase) để có được âm thanh tốt nhất, tốt nhất có nghĩa là âm thanh nó trôi ra nhẹ nhàng và thanh thoát hơn là ok.
Loa trái L, loa phải R nhất thiết phải đúng vị trí trái, phải của phòng nghe. Nếu bị sai điều này thì không biết đến bao giờ mới ngộ ra rằng âm thanh stereo thật kì diệu! Đơn giản nhất: Kiếm 1 bài nhạc có nhạc cụ chơi thiên về một hướng trái hoặc phải, lâu lâu bỏ vô thử để biết chính xác có bị lộn đâu đó không? cắm lộn dây tín hiệu trái, phải là cái chắc!
Nếu cắm lộn trái, phải (L & R: Left & right) của dây tín hiệu hoặc dây loa của hệ thống thì nâng cấp các thiết bị chống nhiễu hay phụ kiện audio cao cấp là chỉ để cầu toàn và... hù dọa người khác mà thôi. Âm thanh không đâu vào đâu cả!
Để khỏi bị... tẩu hoả khi thẩm âm (hoặc setup dàn máy)
Các sếp nên thử trên các dĩa CD hoặc LP chuẩn của các hãng và phòng thu danh tiếng. Các dĩa này đã được ghi âm chọn lọc, với các kĩ thuật tân kì và phức tạp, cực nhạy và hay đến tận con âm nhỏ nhất.
Các loại đĩa thương mại khác dành để nghe nhạc và phải chấp nhận những cái thiếu sót hoặc quá dư thừa con âm của các phòng thu dã chiến! Tuy nhiên do dĩa CD Audiophile giá cả khá cao nên cũng có thể nghe bằng dĩa chép và chất lượng phải tốt.
Các sếp chú ý là âm thanh đỉnh cao dùng để phục vụ cho âm nhạc chứ không phải là nơi biểu diễn hiệu ứng stereo - nếu mọi con âm đều đúng vị trí trong phòng nghe thì chưa chắc là 1 thứ âm thanh hay. Nó chỉ làm cho ta bất ngờ 1 chút rồi chợt tỉnh ra rằng âm thanh nó còn nhiều thứ là ta "mê hoặc" hơn: Đó là sự lung linh, uyển chuyển, điệu đàng và thanh thoát.
Nếu tập hợp đươc các yếu tố trên, bao gồm từ "stereo" (âm thanh nổi) với nhạc tính thì đó mới đúng là mục tiêu, cho dù nó lờ mờ tới đâu thì cuối cùng chính nó mới làm ta đeo đuổi đến tận cùng.
Phải lắng nghe âm thanh của toàn bộ phòng nghe
Âm thanh stereo là âm thanh nổi mà, cũng giống như phim hình ảnh nổi 3D. Hãy cố gắng mình đang đắm chìm trong bể âm thanh đó, nếu nó chỉ leo lét, lẩn quẩn chung quanh cặp loa thì nghỉ khỏe luôn đi!
Đừng cố gắng soi mói chất âm bởi vì chất âm là do thương hiệu tạo ra. Nếu không gian stereo đã đạt chuẩn rồi thì chất âm lúc đó hay nhất, khỏi cần nghiền ngẫm chi cho mệt.
Âm thanh chúng ta đang thưởng thức đó là âm thanh nổi (stereo), âm thanh đa chiều. Vì vậy, lúc thẩm âm hãy lắng nghe và cảm nhận các chiều như: Cao (treble trên, bass dưới), ngang (mid giữa 2 loa) và sâu (mid gần, bass xa...), chứ không phải đơn thuần chỉ là "chất âm" không mà thôi!
Đến một lúc nào đó, khi các sếp thử lại với các CD audiophile cao cấp cất lâu năm trong tủ không nghe và cảm thấy "Hay quá!" thì xin chúc mừng, dàn máy của các sếp đã tuyệt vời rồi đó. Không có lý nào mà dĩa audiophile mà nghe dở hơn dĩa thi trường được.
Thường thì nếu có vấn đề với dĩa CD Refenrence thì ta nên setup lại hệ thống và phòng nghe
Nghiến răng cho đến khi nào ok thì thôi. Chứ mà nghe lời mấy ông "Miêu (Mô) tả chất âm "phán" thì thẹo đầy lưng! Lăn tăn đến bạc đầu! Lầu bầu đến rụng răng!
Thay vì cứ mãi mê setup nâng cấp máy móc Audio thì hãy thử chưng diện cái phòng nghe một lần! Kết quả có lắm bất ngờ đang chờ đợi! Thay thế các loại CB (circuit breaker), ổ cắm điện trên tường cung cấp điện cho các ổ cắm trong phòng nghe >40A. Các sếp sẽ cảm nhận âm thanh khác biệt tức thì.
Người hát karaoke thường nghĩ là do cái micro chưa vừa tầm nên hát chưa hay. Cũng có thể! Nhưng đa số đã không biết rằng, cái sợi dây micro dài ngoằng kia mới là thủ phạm làm cho dàn máy hát karaoke chưa được sâu lắng, làn hơi còn nông.
Yếu tố chính mang lại sự thay đổi hình thức trình diễn âm thanh của các loại dây dẫn chính là ở sự cấu tạo để phát sinh điện dung và độ tự cảm trong quá trình truyền dẫn. Độ dài và cấu tạo vật lí của dây quyết định điều này, cấu tạo hoá học quyết định độ bền và chất âm đặc trưng.
Chất lượng thi công các loại dây nhợ cho audio cao nhất và thẩm mỹ nhất là đảm bảo khai thác hết cái HAY của sợi dây nguồn cao cấp
Thi công thật chi tiết và tỉ mỉ với từng tao dây dẫn, mục đích là nhằm chống sự phát sinh hiện tượng cảm dung trong dây, nó gây ồn ào cho sự trình diễn. Làm mất đi đặc tính nổi trội hoặc xuất sắc mà nhà sản xuất đã định dạng.
Chứ còn mà mua 1 sợi dây dữ dằn về rồi đấu nối cho nó dính hoặc làm lọng cọng, chấm chích đại khái qua loa thì xin lỗi, chỉ để hù người ta thôi chứ chẳng có tác dụng gì với audio đỉnh cao cả! Nếu có thấy chất âm thay đổi khác chút xíu, có thể là hay hơn xíu mà thôi, bởi vì cái cọng dây trước đó quá ư là... cùi bắp. Với tất cả các loại dây dẫn cho audio, khâu thi công hoàn chỉnh nếu không có sự nghiêm túc và cẩn thận, chúng ta chỉ thưởng thức được 50% khả năng của nó mà thôi.
Nhờ vào cái cách sản xuất cũng như cấu tạo đặc biệt để loại bỏ tạp âm và các siêu nhiễu kí sinh từ ngoài vào hoặc có thể hình thành trong quá trình di chuyển của dòng điện (hạt electron) trên dây. Các sếp nên nhớ là với một sợi dây chất lượng chợ búa và thi công ầu ơ, ẩu tả thì nhiễu phát sinh từ dây rất lớn, ảnh hưởng khủng khiếp đến không gian nhạc đắt tiền của chúng ta, nó phá hết toàn bộ sự thảnh thơi và thong dong của âm thanh. Cái biểu hiện rõ nhất là nghe mau chán và volume to chút xíu thấy ồn ào quá trời mà mới có chuyện dây tốt hay xấu, mắc tiền hay rẻ tiền.
Chơi các loại dây hay máy hoặc trong phối ghép cao cấp, các sếp phải... tưởng tượng một chút về cái không gian nghe nhạc nó trình diễn như thế nào, chứ soi mói từng chất âm một thì chả có cái máy hay cọng dây nào đáp ứng được!
Các thành phần máy audio trong phòng nghe nếu không có sự hoà hợp thì mọi yếu tố khác (dây nhợ, nguồn sạch, trang âm) chỉ tạo tính thẩm mỹ và an toàn mà thôi
Độ dài của các loại dây dẫn quyết định đến độ gia giảm sự ồn ào trong phòng nghe - Không phải càng ngắn là càng hay, nó chỉ đúng nghĩa đen: Ngắn = tốt, nhưng chưa chắc ngắn = hay.
Chú ý khi đem mấy sợi dây cũ như dây tín hiệu, dây loa về xài thì nên làm vệ sinh sạch sẽ vỏ bọc bên ngoài dây thật tốt vì có nhiều khả năng dây rất dơ do dính các chế phẩm từ các loại động vật gặm nhấm, côn trùng không tốt cho trẻ nhỏ trong nhà.
Dây dẫn tốt trong Audio không phải là 1 cái Equalizer (chỉnh hiệu ứng), không thể tăng giảm treble, bass mhư ý muốn. Nó làm thay đổi toàn không gian âm thanh, sắp sếp lại các định hình bằng cách triệt tiêu rất nhiều độ ồn không mong muốn, cho nên các tần số âm thanh trở về nguyên bản (nghe dể chịu hơn hẳn).
Nếu thấy bass đâu mất tiêu thì kiểm tra lại dây loa coi chừng đấu lộn đỏ - đen ở cọc loa đến cọc âm ly. Cắm dây loa lộn loa trái, loa phải thì sự thanh thoát trong trình diễn âm thanh tự nhiên biết mất, âm thanh hài hòa không còn nữa! Cái này rất nhiều người bị, nhất là ở dàn dây RCA, chú ý thật kĩ lưỡng vào. Dĩa CD có âm thanh bên trái thì dứt khoát cái loa bên trái kêu, mặc kệ dây nhợ có cắm kiểu gì đi chăng nữa. Nếu không biết hoặc ú ớ điều này thì bớt đi rao giảng đi nhe! Hehe.
Dây loa hoặc dây tín hiệu xài cũ, bẻ uốn nhiều, "giựt ga- giựt dô" lia lịa thì chắc chắn nó đã bị đứt 1 số lớn tao dẫn kim loại trong dây. Cái này thì thẩm âm thấy.... tầm bậy!
Setups dàn máy cho đến khi nào không sài nút Loudness và tone thì cách nghe đã lên tới tầm cao mới và phòng nghe của bạn đã đạt yêu cầu rồi đó! Không phải cái gì li kì hết, bởi vì trong phòng kín máy lạnh dộng mấy cái nút loudness với tone cho bự thì cọp mới nghe được! Đó không phải là nút tăng cường công suất (...Turbo?) mà là tạo hiệu ứng cho không gian bất lợi - phòng hở, ngoài trời,... nặng tai - mà thôi, nó làm cho tình tiết suy giảm nhiều.
Kê cao loa lên với 1 cặp chân thật chắc chắn, càng nặng càng tốt và tầm nghe với cái loa mid ngang tầm tai. Nếu đem được cái màn hình TV tổ mẹ đi chổ khác chơi thì nghe nhạc thấy hay hơn xưa! Các loại dây tín hiệu (AV - interconect cable) chạm, chập, đứt không ảnh hưởng đến âmly, chỉ bị hát dở hoặc nín hát mà thôi.
Cái gì cũng có thể xì
Tiếng ù xì nho nhỏ chưa chắc do tác động từ bên ngoài mà do bản thân dàn máy gây ra thể hiện qua cặp loa có độ nhạy quá cao (>95db), tụ rò hoặc khô cũng xì - hở mạch cũng xì, dây RCA lỏng lẻo cũng xì, mass thiếu.
Cái gì cũng có thể xì, nhưng nếu áp tai vào gần loa mới nghe thấy thì chả có gì phải lo. Dàn máy đang chịu nhau và mọi âm thanh dù nhỏ nhất cũng được thể hiện.
Sự cố về loop ground noise: Không phải cứ giăng dây mass khắp dàn máy là tốt, nó sẽ phá hoại âm thanh, chỉ cần âm ly hoặc pre thoát mass là ok, bản thân dây tín hiệu đã liên kết mass từng máy với nhau rồi.
Bởi vậy, cứ giăng dây mass bổ sung khắp nơi trong dàn máy audio sẽ nghe thấy âm thanh cực rõ! Chấm hết! Cụt lủn và lạnh tanh. Sau này bưng thêm cái mâm dĩa nhựa (LP) về gắn vô là ăn đòn ngay. Các nhiễm nhiễu xì, rè hiện lên không cách nào trị hết. Đuối luôn! Kêu thằng bán mâm ra mắng vốn và rồi thề độc sẽ không bao giờ chơi mâm nữa.
Nói về dây trong audio, sự liền nhau từng tao dây quyết định hay dở của hệ thống: Âm bị bì bó hay bung thoáng! Chất liệu cấu thành chỉ làm thay đổi âm chất mà thôi! Nâng cao loa thùng khỏi sàn nhằm phá bỏ thế góc sàn với vách thùng, lý do gây lùng bùng cho âm bass và mid low.
Các ổ cắm điện lỏng lẻo hoặc liên kết dây nguồn lỏng lẻo, quá nhỏ, kể cả âm tường hay lộ thiên là nguyên nhân chính gây chết ngắc mấy con IC điều khiển trong thiết bị.
Các sếp, chứ không phải ai khác, phải chính là người phải thường xuyên kiểm tra các ổ cắm điện, thiết bị điện trong nhà
Các chị, các mạ, các em sen hay dùng các chổi thọt thọt, quét quét các khe tủ và khều luôn mấy cái phích cắm điện xéo ra khỏi ổ, lỏng lẻo luôn. Rất nguy hiểm!
Và theo tình hình các phong trào cháy nổ xuất hiện ngày càng nhiều, thì nó chính là lí do chính xảy ra biến cố. Các thiết bị điện công suất thường xuyên hoạt động (24/24) như các tủ đông, tủ lạnh: Hãy chú ý các phích cắm của nó thật chắc cú nhe! Kiểm tra hệ thống điện thường xuyên chính là bảo vệ hạnh phúc gia đình!
Thay thế ngay sợi dây nguồn của máy tính để bàn để thấy nó hoạt động hiệu quả hơn!
Các dân chơi Audio hiend với các máy móc đắt tiền và không có thời gian cắm rút liên tục thì đã có các phụ kiện mạ vàng - bạc để hoài không sợ ten (oxy hoá). còn dân chơi như đại đa số chúng ta nên suy tính một chút trước khi ra tay, bởi vì các loại mạ vàng và bạc như trên sẽ không chịu nổi khi các sếp cắm rút liên tục để thẩm âm. Các lớp vàng bạc đó rất mềm và dể bị mài mòn cho nên nó lòi... đồng ra hồi nào không hay. Mà ten đồng chi cần 1 lớp mỏng thôi thì âm thanh khác liền cấp tự (oxit đồng không dẫn điện).
Mấy cái ổ cắm điện quân đội, chân đèn quân sự cắm rất chắc, rất ok vì các ngoàm chấu điện bên trong nó cắn mạnh vào phích cắm, chống tụt ra, các loại này dùng tốt cho dàn máy, dây nhợ, bóng đèn phổ thông nhe! Dàn máy hi end đắt tiền xài mấy em này nó cắn bay mấy cái lớp mạ vàng 24, mạ rohdium đỉnh cao của các loại phích cắm điện hàng hiệu hoặc các cặp bóng đèn quí hiếm đắt tiền của các sếp. Cắm rút càng nhiều thì nó tiêu luôn cái giá trị chống ồn của linh kiện Hi end!
Không sử dụng các loại adapter dùng làm trung gian cho các loại phích cắm nguồn tròn và dẹt có chất lượng thấp đang bán phổ thông trong các tiệm điện để áp dụng cho audio!
Không được dùng nó để xài dồ gia dụng có công suất lớn (dễ gây hoả hoạn). Đừng quá tín ngưỡng vào mấy ông ngoại trời tây trên các diễn đàn - mấy ông này cũng như ta, lên mạng mày mò rồi phán như thần Odin! Đa số các "thần đồng" âm thanh bàn phím của Việt Nam không có dàn máy hay phòng nghe nào ra hồn!
Thay vì đố kị nhau qua mấy cách chơi audio, làm ăn, buôn bán, cách tốt nhất để khẳng định mình là lên web chia sẻ kiến thức, nó tốt hơn là nói nhảm không có cơ sở logic từ kinh nghiệm, trải nghiệm đam mê cũng như trải nghiệm từ cuộc sống.
Đối với vài ý kiến bảo thủ hoặc chối bỏ việc setup hệ thống phụ trợ (accessories) cho dàn máy thì hãy thông cảm và bình tĩnh để hiểu rằng có thể phòng nghe hoặc phối ghép dàn máy giữa âm ly và loa có nhiều vấn đề cần phải quan tâm hơn. Bởi vì, nếu bị hạn chế bởi vị trí sắp đặt máy, vị trí ngồi nghe, phòng hở hoặc lệch kết cấu, sự hòa hợp giữa âmly và loa không đạt, thì trong tâm trí, mọi sự đều vô nghĩa với các thiết bị này.
Không nên quá tin tưởng vào mấy em ổ cắm âm tường hàng chất lượng Việt Nam. Tải thì có thể đủ đó, nhưng liệu mấy cái mối nối điện trong đó có ok chưa, nhất là hệ thống điện nhà lâu năm. Có thể nó làm cho hệ thống nghe dở ẹc vì âm thanh "lỏng chỏng" và "rền rĩ". Đó là chưa nói hết đến các sự cố lớn hơn về PCCC khi các thiết bị công suất lớn cắm vào các loại này.
Đối với các đầu jack RCA
Nếu cắm vào máy bị bót quá thì có thể kiếm 1 chỗ có đuôi RCA cứng cáp rồi nhấn vào và lắc tròn nông ra cho đến khi vừa ý. Nếu bị lỏng lẻo quá thì cầm cách đầu dây khoảng 15cm rồi gõ đầu RCA lên mặt gỗ cho đến khi cắm vào vừa ý, chú ý không lấy kềm bóp gây gãy ngàm RCA.
Xi mạ tốt nhất không có nghĩa là phải mạ vàng hay bạc mà với các loại phụ kiện phổ thông, mạ crom hay Ni cũng là một công nghệ quá tốt để chống lại yếu tố môi trường nóng ẩm bụi nhiều như ở Việt Nam. Mạ Cr, hay Ni cho độ bền bề mặt cực cao, thoải mái cho các DIYer cắm rút liên tục mà chất lượng không giảm sút.
Cầm mấy cái bóng đèn... đỉnh cao (Telefunken, Philips...), chân đèn mạ vàng, mạ bạc thì chú ý mấy ông chân đèn quân sự nha. Cắm vô cắm ra một hồi nó nghiến trầy nát mấy cái lớp mạ vàng đó rồi thì bóng đèn nó... củ chuối luôn!
Rút bóng đèn công suất trên máy ra mà nó còn đang nóng thì nhẹ nhàng kiếm chỗ nào đó an toàn rồi để xuống và để đứng cho nó nguội hẳn.
Cao su các loại dùng để giảm chấn, chống sốc, chống trượt. Chân đinh nhọn các loại dùng để triệt rung!
Nếu muốn nghe âm thanh hay và thoải mái: Dẹp hết mấy cái máy, loa, đồ đạc không cần thiết, dư thừa, sưu tập, trưng bày... chung quanh dàn audio đi chỗ khác chơi!
Hãy quên đi và bớt khua môi, múa mép khi dàn máy của bạn có con âm ly và loa cực kì hoành tráng, dữ dằn nhưng nguồn phát (CDP) ngồi cuối lớp!
Với các loại phòng nghe khá lớn và trang hút âm hơi... lố thì nên nghe với mấy em CDP có trường âm rộng (như TEAC, Esoteric hoặc các đời máy có tiêu chuẩn giống hãng này. Phòng nghe hạn chế hơn thì thích hợp với các đời cdp cho trường âm hẹp hơn như các sản phẩm của Châu Âu (Marantz, Philips). Dây bạc hoặc dây đồng, hoặc dây... xưa cũ cũng làm cho trường âm thay đổi!
Không bao giờ có chuyện cùng một hãng, cùng một serie, cùng mới như nhau mà có chuyện máy rẻ tiền hay hơn cái mắc hơn nó! Nếu có, thì coi lại con mắc tiền có bị... thương tích chi không?!
Cái hay của các linh kiện, máy móc, dây nhợ hàng hiệu và cực kì đắt tiền là nó hiển thị và trình diễn được nhiều thứ "âm thanh phụ" mà các loại khác không thể nào có nổi.
Các sếp nhớ là nên để cái mâm dĩa nhựa (Pickup, mâm Vinyl, mâm than, cơ than) kể cả nếu có cục step-up - xa xa mấy cái máy có công suất lớn nha. Âmly hay cục power amply, BACL và nhất là cái ổn áp thấy ghét đó luôn.
Đầu dĩa CD (CDP) hay các đầu phát khác, nếu để cách xa được cái âm ly hoặc ổn áp càng nhiều càng tốt. Chi tiết hơn: Cái bo xử lý digital trong CDP không để sát vào cái tăng phô nguồn của âmly hay vô tình kế bên... ổn áp!
Cấu thành tín hiệu đường ra của phono cực kì nhỏ bé và nhạy cảm, cho nên các loại dây tín hiệu thông dụng khác như CDP, Tape dù cao cấp mấy cũng không làm hài lòng cho tín hiệu analog loại này. Nếu không đúng chất lượng và không đúng kĩ thuật đấu nối thì xuất hiện nhiều tạp âm (ù, xì) và nhiễu RF nghiêm trọng, làm cho âm thanh mất đi sự quyến rũ đặc trưng!
Các cục stepup transformer dùng cho mâm dĩa nhựa nhớ để tránh xa mấy cái máy có cắm điện, càng xa càng tốt!
Không nên để quạt gia dụng gần dàn audio, hoặc kê sát và thổi mát máy, nghe dở hơn xưa!
Các socket dây kết nối giữa máng và bụng kim bị hư? Dễ ẹc! Đục cái chân đèn 9pin (cắm cho các loại bóng 12AX7, 6DJ8) lấy mấy cái socket ra xài.
Chơi mâm dĩa nhựa (mâm than, cơ than, LP) không có chi phức tạp. Thoạt tiên mới chơi chỉ cần lưu ý các nguyên tắc cơ bản
Khi đang hoạt động thì tay cần luôn song song với mặt dĩa, đầu kim lúc đang hát (tính theo trục của cái máng) vuông góc với đường ảo từ tâm dĩa kéo ra, lực tì đè xuống dĩa chỉ cần từ 2 -> 2.5g là alê hấp: Hát!
Chả có chi phải li kì. Khi đam mê đã thật sự thì nâng cấp lên đồ chơi khủng và khi đó thì vào chi tiết chuyên sâu để thấy được cái mà mấy ông kia hù doạ, cũng chẳng có gì mà li kì. Kaka!
Các máy móc, phụ kiện vintage cực kì quí hiếm nhưng bị bán bậy là do chủ nhân của nó không nâng cấp các phụ kiện cắm rút (RCA, nguồn, cọc loa, select) đã quá niên hạn sử dụng làm cho thui chột tín hiệu. Mấy em stepup transformer, pre dính chưởng này hoài!
Bình luận