Phần 1 - Tiếng ồn ảnh hưởng như thế nào đến âm thanh nghe nhạc cao cấp của chúng ta?

Ồn ngoại khoa?

Phòng nghe của chúng ta nó tạo ra nhiều tiếng ồn do các mặt phẳng nhỏ, to, tường, cửa, tủ, gương, đồ chơi, tranh ảnh lộng kiếng, ly chén đồ kiểu, không hiểu cũng đem trưng! Hằm bà lằng các vật dụng khác, bóng nhoáng và đầy thách thức. Các mặt phẳng này nó tạo ra sự phản xạ khi có âm thanh tác động vào nó. Giống y như gương phản chiếu hình ảnh. Nhưng âm thanh không phản xạ trung thực như gương mà nó tạo ra tiếng dội lẫn lộn tùng xèo nên tai ta không nghe được rõ nét.

Các loại âm thanh và rất nhiều các tần số nó va đập vào các thiết bị phẳng này nó sẽ dội lại. Và dội lại với nhiều tần số cao thấp tùy theo độ nhám của mặt phẳng đó. Nếu mặt phẳng càng bóng thì tần số nào cũng được dội lại hết. Và trong đó, tiếng mid dội mạnh nhất (nó đi được xa) rồi giảm dần đến treble và bass.

Tiếng treble nó dội nhanh nhưng yếu hơn, nó vẳng vào tai chút xíu rồi mất hút. Nhưng phòng có nhiều mặt phẳng quá thì có rất nhiều tiếng treble dội thì nó làm cho ta thấy âm thanh bớt bén và độ chói khá cao. Cái này trị khá dễ vì chỉ cần dọn dẹp chút xíu thì ổn ngay. Nên nhớ, nếu quá lo sợ để đi đến trang âm triệt, chúng ta sẽ thấy ngay độ bay bổng long lanh,của treble. toàn bộ phảng phất dội cao tần tích cực tiêu m... nó hết trọi!

Tiếng mid cao (mid high) nó tập hợp nhiều loại âm thanh phức tạp nhất từ nguồn CDP. Hầu hết các nhạc cụ và giọng hát đều có hiện diện ở quãng này. Tần số mid cao nó tạo ra cái khung rõ nét cho âm thanh Srereo. có nghĩa là các sếp phân định cao thấp, trái phải, trước sau cho khung âm là nhờ nhiều vào các tần số mid cao này.

Tất nhiên, cái gì nhiều quá thì dễ bị rối nùi! Trong phòng nghe, quãng âm học này nó làm cho chúng ta thấy không biết tại sao cặp loa của mình nó nhiều tiếng cao quá, thiếu hẳn bass. đó chính là vì tiếng mid cao (mid Hi) đang bị ồn do hiện tượng dội âm như trên đã trình bày. Tiếng mid cao này mà nó dội thì rất khó kiểm soát, mà nó là cái đứa dội nhiều nhất mới chết thằng nhỏ! Tiếng gì nó cũng có thể bá dội, đụng vào cái ly, cái chén, cái tủ lạnh bóng loáng là nó phản xạ âm liền.

Tất cả các phản xạ âm cao này nó làm cho độ ồn phòng nghe tăng lên rất nhiều, loa máy có ngon và đắt tiền thì vô cái phòng này, nó vẫn gào la om xòm như thường. Một cách rất đơn giản, chúng ta dẹp bớt hoặc dán lên các đồ vật trong phòng các loại chất liệu mềm và nhám, gai, sàn thì có thảm, trần có nhiều gai góc, tường hai bên có nhiều… cái gì đó cũng được! Yếu tố thẩm mỹ vẫn phải đặt lên hàng đầu. Bởi vì phòng nghe dù có trang âm tốt nhưng nhìn nặng nề, chật chội, rối mắt thì mất tác dụng thu hút thị âm và làm cho người nghe không thảnh thơi hoặc bị ngộp, mất cảm giác tập trung. cuối cùng, có thể lầm tưởng gia chủ muốn biểu diễn hiệu ứng các tiếng động hơn là thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao của audio!

Các ông anh rành chút xíu về kĩ thuật hoặc có nhiều kinh nghiệm thì xử lí đơn giản hơn: Móc cái phân tần ra chỉnh sửa và cân bằng lại chút xíu. Chú ý là phân tần loa thực chất là nó chia các tần âm theo thể tích không gian phòng nghe, cân bằng cho thực địa. chứ các hãng nó không biết phòng nghe khách cỡ nào cho nên phân tần zin nó làm theo tiêu chuẩn chung! Tất nhiên, âm thanh có cải thiện độ ồn chút ít và ở mức volume đó mà thôi, nếu mở to vẫn ăn đòn như thường - he he.

Nhưng nếu phòng trang âm ghê quá, mất tiêu tiếng dội tích cực mid cao này thì mọi thứ lạnh lẽo và cộc lốc! Âm thanh bén như lưỡi kiếm và chấm hết!

Dội mid thấp (mid low) thì nó cho cảm giác khó phân biệt hơn mid cao, nó kích độ ồn cộng hường, trà trộn vào cả mid cao và bass và làm cho tiếng hát không thoát ra được cái mớ bồng bông nhạc cụ kia. Nó trộn với bass làm phòng nghe hơi bị rền, nó trộn với mid cao làm mất không gian tinh tế. Các mặt phẳng lớn là môi trường tốt cho mid thấp bá dội, phòng với nhiều hang hóc, các lỗ đen thì nó cộng hưởng thêm một chút. Gây cảm giác âm thanh nặng nề, bệnh hoạn, sầu thảm chứ không phải giọng trầm oai phong, giọng trầm có nhiều tâm sự!

Để làm tinh khiết cái giọng mid low này và không làm mất đi cái đằm thắm rung động của nó thì setup chung quanh dàn máy là cả một nghệ thuật và công trình đổ nhiều nếp nhăn (he he). Hai bên hông loa và phía sau dàn audio không phải muốn táng cái chi vô cũng được, nghe lời mấy ông chém gió có ngày đứt chếnh! Công việc này là sự bền bỉ và do chính chủ nhân ra tay mới thành công. Thêm bớt cái trang âm, thêm bớt các thiết bị chống dội âm là phải tính toán công suất của âmly, các định dạng loa (nén, hơi, cộng hưởng) cho hợp lí thì ok hơn.

Nhưng cái đầu tiên là các sếp nên nhớ kê kích cho chuẩn kệ máy và cặp loa (thông thoáng dàn kệ, thông thoáng gầm loa, thông thoáng sau loa. Có nghĩa là kê kích các thành phần máy, kệ, loa sao cho hợp lí và thẩm mỹ nhất cho vị trí hiện hữu. Chứ mà trang âm từa lưa xong mới kê kích lại dàn máy thì xin lỗi, sẽ đổi loa, máy lia lịa cho đến khi nào nó vừa hay với cái ổ triệt âm đó.

Công suất loa, máy càng lớn thì trang âm nhiều hơn và tốn nhiều công sức, tiền của hơn. Ngược lại, công suất nhỏ không cần cầu kì như thế, vì nếu quá cầu kì sẽ phải… nâng công suất lên lớn hơn!

Dội tiếng bass. Cái này dễ thấy hơn, tiếng bass nó dội gây cảm giác nặng đầu và khó chịu. Tiếng ở quãng thấp này tuy nó không đi nhanh được nhưng nó lại tạo cộng hưởng rất tốt. Tiếng cộng hưởng đó nối đuôi nhau lên tục và thấp dần (giống tiếng bom mìn ì ầm từ xa vọng về). Tiếng cộng hưởng bass trong CD phát ra là do sự cố tình của phòng thu (ví dụ như tiếng trong lòng trống chầu). Trong phòng nghe của chúng ta, nếu có nhiều góc tường cứng thì nó sẽ được cộng hưởng thêm nhiều lần nữa và cái này là tiêu cực. Nó nối đuôi nhau, kéo dài do va đập nhiều lần vào vách phòng, làm cho người nghe có cảm giác rền rì tầm thấp, gây khó chịu, ong tai. 

Cách phát hiện thật đơn giản! Cho máy hát, chạy ra ngoài phòng hoặc qua phòng khác. Tiếng rền ầm ì nghe thấy càng nhiều thì về phòng trang âm lại nhe! He he nhưng phải còn đâu đó chứ mà triệt luôn nghe còn thua dàn cùi bắp!

Không nên lẫn lộn với tiếng rền bass do âm ly công suất quá nhỏ, dây nhợ tào lao, ổn áp, biến áp thiếu công suất, dàn máy phối ghép sai thực địa (đem thiết bị chơi hay ở phòng hở, ngoài trời, dộng vào phòng kín). Các loại âm ly ẩu hoặc loa ẩu có tiếng bass dộng vào tai. Bài viết này chỉ tham khảo cho vui, đọc xong bĩu môi rồi cho qua nhé!

Dội hạ âm: Hạ âm một thứ âm cực trầm và cực kì mông mênh ở chế độ gain (âm lượng) cực nhỏ. Chính vì cực nhỏ và cực thấp này nó làm cho đôi khi chúng ta không nghe thấy được, chỉ có thể cảm nhận được do sự rung động của không khí xung quanh vị trí ngồi nghe.

Không gian dường như cô đặc lại, có người cho rằng nghe rất ấm cúng. Cái quãng âm hạ trầm này nó hoàn toàn do cái cách setup phòng nghe tạo ra và với chế độ hài hòa cực kì hoàn hảo giữ loa và âmly. Phối ghép hoàn toàn hợp lí các khác thành phần máy audio, hoàn toàn hợp lí với các kháng trở vào ra của từng thiết bị. Trong đó, cái phòng nó sẽ cộng hưởng các tần số thấp để cuối cùng thòi ra cái hạ âm thật là tuyệt vời. Tất cả các cái hay của âm thanh, cái tình, cái chiều sâu của từng nốt nhạc cũng nhờ nó mà phát huy hết. Để rồi cuối cùng, sự thăng hoa trong thưởng thức âm thanh (Hi-end) sẽ cho ta biết rõ hơn âm nhạc tại sao nó thật sự đó là điều quyết định tính nhân bản của con người và nó sẽ tồn tại mãi mãi theo thời gian.

Các tiếng hạ âm này nếu bị khai thác quá lố (do setup chủ quan, setup theo cái CD có bài nhạc mình thích) thì khi mở ở mức volume khá to thì âm học phòng nghe mất kiểm soát hoàn toàn. Cái khó là làm sao biết được cái tiếng hạ âm tiêu cực này xuất phát từ đâu?

Nó xuất phát từ các vật dụng đang hiện diện trong phòng, các tấm phẳng mỏng như các tấm bìa, vách gỗ, tấm trần, sàn gỗ, vách cửa mỏng, nói chung là có nhiều kết cấu không cứng chắc như bê tông, gạch. Thậm chí với dàn công suất quá khủng thì vách trường gạch ống khá rộng kia nó cũng có thể rung nhịp và tao ra tiếng hạ âm khó chịu. Bởi vậy mới nói nhiều khi Âmly công suất đi giao lưu ở các sự kiện thì có giải này, giải kia. Lúc đem về cho vào phòng nghe nhạy cảm,thì chưa chắc thích hợp để trình diễn và ngân nga!

Ồn nội khoa?

Như bên trên đã trình bày, các loại âm thanh dội tiêu cực nó gây ồn rất lớn, ảnh hưởng đến niềm đam mê đeo đuổi audio của dân chơi, đó là cái cơ bản nhất và đánh vào cái bước đầu tiên gia nhập làng audiophile. Bên cạnh đó, từng đẳng cấp của các thành phần máy nó cũng quyết định rất nhiều đến loại độ ồn khác, đó là ồn chất lượng! Chất lượng thấp gây phát sinh ồn tần số. Thật sự là tất nhiên! Máy càng đắt tiền thì cái chững chạc nó càng lớn. Đơn giản thôi, âm thanh đi qua nó rất ít bị ảnh hưởng của nhiễu điện từ. Càng cao cấp thì cái khoảng không nó sâu hoắm, tất cả đều bự và hoàn toàn rất ít ồn dolby, không bị gắt chát khi mở to.

Nói chung, máy càng bự thì càng ok! Cái này dễ, tiền nhiều là xong! Mua đồ cũ ít tiền hơn nhưng âm thanh number one thì được đa số dân chơi audio áp dụng, điều này hoàn toàn hợp lí ở thời điểm hiện nay. Đồ quí hiếm vintage thì khỏi nói, vì mua có được đâu mà nói?

Để dàn Audio được thể hiện hết các khả năng của nó thì vấn đề triệt tiêu hết được các tần số nhiễm nhiễu gây ồn và chói cho âm thanh. Các sóng nhiễu cao tần và nhiễu điện từ rất có hại cho tín hiệu âm thanh. Các loại dây dẫn kết nối các thành phần máy audio với nhau thật sự là một thách thức cho 1 dân chơi đam mê âm thanh, tùy theo kinh nghiệm và khả năng kinh tế mà đầu tư các loại dây dẫn có tính chất vật lý tốt nhất: Nguyên chất và đồng nhất!

Các vật liệu dẫn điện, các sợi dây nguồn, dây tín hiệu các loại phải chắc chắn là dây có chất lượng kim loại tốt nhất có thể, chất lượng vật lí tốt nhất. 

Có nghĩa là nó thông suốt từng tao một trong từng thớ dây, không được chắp nối từng đoạn như trong các loại dây hoặc thiết bị bình dân ngoài chợ. Cấu tạo kim loại yêu cầu phải được đồng nhất, nguyên chất. Tính chất này khá quan trọng trong quá trình cắm rút và thẩm âm hay thay đổi, nâng cấp gu nghe hoặc gu nhạc. 

Đa số các vật liệu truyền dẫn hiện nay người ta sử dụng đồng là vật liệu chính vì nó là chất dẫn điện tốt, ổn định và rẻ tiền hơn các kim loại dẫn điện khác. Vì vậy, nếu đã là đồng thì chúng ta cố gắng lựa chọn sản phẩm chất lượng nhất có thể vì đa số các loại dây dẫn bình dân nó pha trộn rất nhiều tạp kim khác để giảm giá thành (như nhôm, kẽm, phế liệu).

Các sếp nên biết, đối với âm thanh cao cấp, điều này là tuyệt đối tránh vì các hỗn hợp đồng chất lượng thấp này, cộng với công nghệ sản suất thủ công (se sợi, kéo nguội) nó làm cho tín hiệu âm thanh bị sốc trong quá trình di chuyển, sự hao hụt là rất lớn mà trong khi đó nó lại phát sinh và tăng cường thêm nhiều tín hiệu tiêu cực để rồi chúng ta rất dễ để có thể nhận biết được đó là âm thanh phát ra từ loa rất ồn ào và chói gắt. Hiện tượng này là do sự hao hụt tín hiệu chủ đạo quá lớn, ta phải mở to volume hơn. Lại càng ồn dữ! Nếu thay dây nhợ chất lượng vào là có thể thấy ngay: Độ ồn giảm tức thì, rất là hết hồn! không cần phải gào la ỏm tỏi nữa.

Để triệt tiêu tối đa các tiếng ồn nội khoa này càng nhiều, các hãng dây còn tính đến nhiều kĩ thuật sản xuất khác nhau như bọc giáp kim chống RF, mạ bạc để chống suy hao tần số cao, thông số tiết diện dây để tạo cân bằng âm, nghệ thuật đúc đồng truyền dẫn với công nghệ cao nhất như kéo nóng, tạo bề mặt dây phẳng bóng nhất có thể và cái cách mà họ làm nguội kim loại để phát huy thần kì cái cách truyền dẫn dòng điện tín hiệu.

Tất cả là để làm suy giảm hay triệt tiêu tối đa các yếu tố gây hại cho các tín hiệu điện năng nhằm mục tiêu truyền dẫn được xa nhất và ít mai một, suy hao nhất. Và cuối cùng, việc cấu tạo sản xuất và định hình dây dẫn nó cũng làm cho dây có tính chất khử được nhiều nhiễm nhiễu phát sinh và kí sinh.

Một yếu tố mà tất cả các hãng sản xuất dây lớn đều phải quan tâm và thực hiện. Hầu hết các các dung, cảm kháng kí sinh, phát sinh tiêu cực đươc xử lí 1 cách tự nhiên, các loại trở kháng không thể hình thành và xuất hiện lung tung trong cái cách phối ghép chuyên nghiệp.

Tất cả các loại phụ kiện cắm theo cũng phải được quan tâm kín kẽ hơn, chất lượng đồng tốt hơn thì yên tâm hơn vì đó là điều chắc chắn, đồng là chất dẫn điện tốt nhất! Lên đến reference thì sự tinh khiết và chất lượng xi mạ các thành phần nó quyết định (bạc hay vàng, platine hay rhodium).

Tất cả chỉ để là giảm tối đa tiếng ồn trong âm thanh phòng nghe và như thế nó làm cho hệ thống của chúng ta thật tĩnh lặng để rồi ngoài các con âm chính đang trình diễn, các sếp sẽ nghe thấy thêm nhiều sắc màu âm thanh khác nữa, thật thần kì! Các sắc màu mà trước đó nó bị che khuất bởi ồn âm! Ồn nội khoa!

Các bộ nguồn AC, ổ cắm điện, BACL, Lọc điện, chân đinh chống rung,. tất cả những phụ kiện ngoại vi mà các hãng… rặn ra được cũng thế! Mục tiêu lớn nhất của nó là làm giảm độ ồn tối đa nhất có thể, nhờ vào các tính chất chuyên nghiệp cao và chất lượng vượt trội hơn đồ gia dụng rất nhiều lần.

Ồn… ẩu khoa? Trang trí và setup dàn máy quá ẩu!

Quá ẩu trong vấn đề kê kích và setup dàn máy audio. Mỗi người 1 kiểu, kê sao cho đẹp theo ý mình mà bất kể hoặc có thể là không biết:

- Chồng CDP lên âm ly, để sát nhau cho gọn, một đống thù lù, dây cho ngắn.

- Để mâm than cạnh dàn máy.

- Để đầu phát kế cái… ổn áp, thậm chí kế cái tủ lạnh?

Các sếp nên biết là khi một máy công suất lớn hoạt động (power, amply, ổn áp…) nó có thể làm cộng hưởng nhiễu điện từ cho các thành phần máy nhạy cảm kế bên (mâm, step-up, CDP) khiến cho âm thanh đến loa hoàn toàn khô cứng, thậm chí lớn tới mức có tiếng ù ù ngay trên loa.

Hãy coi cặp loa như 2 cái biệt thự. Tách hẳn ra và thật sự là thông thoáng, nhìn thật đã con mắt. Âm thanh sau đó cũng thế! Rất thoải mái nhẹ nhàng. Hừm! Nhét 2 cái biệt thự này vào cái đám nhà phố (dàn kệ audio cồng kềnh) thì ồn ào phải nói, tiếng cường, tiếng lặng… rất là khô khốc khó chịu.

Phần lớn, độ ồn trong dàn audio đều xuất phát từ cách phối ghép, xây dựng, cắm rút. chưa hoặc không hợp lí của dân chơi audio, sự đồng bộ yếu kém trong các thành phần máy, loa. kinh nghiệm của người chơi lẫn người bán cũng là một vấn đề thách thức.

Ồn ẩu kiểu này nhiều khi cũng khó mà để ý đến: Vì nó rơi vào một số dân chơi câu toàn và cực kì kĩ tính. Đó là giăng dây nối mass đất tùm lum trong bộ dàn, một ma trận rối như canh hẹ. Các sếp nên chú ý rằng ngoài dây nguồn có dây mass (màu xanh lá) bên trong rồi thì các loại dây còn lại như dây tín hiệu cũng có dây mass, cho nên nối thêm dây liên kết cho từng máy hoặc nối thêm mass cho từng máy thì vô tình chúng ta tạo ra 1 ổ nhiễu khổng lồ do hiện tượng Loop ground - nó cường kích sóng cao tần chui vào mạch tín hiệu của CDP và chạy tuốt ra đến âm ly để được khuyếch đại lên hàng ngàn lần.

Lúc này, ta sẽ nghe thấy thêm tiếng rít hay o o từ loa mà không biết ở đâu ra. Nếu cho CDP hoạt động thì các âm thanh mong muốn bị nó bào mòn hết. Âm thanh khô khốc, sắc lạnh và "dô diên" chưa từng có. He he nó giống như một hoa hậu hay hot girl hễ cứ mở miệng ra nói chuyện thì cộc lốc và dô diên. Ánh mắt, cử chỉ, giọng nói, biểu cảm mỗi đứa một nẻo, chả ăn nhập gì với nhau.

Âm thanh trong phòng thu, mà cái cơ bản là cái CD nhạc mà ta đang cầm trên tay

Các hãng đĩa họ ghi thật chi tiết với từng con âm thật sự chính xác, không ưỡn ẹo lượn lờ, âm thanh phát ra từ cái CDP càng lớn tiền thì nó có âm vực dày hơn CDP rẻ tiền hơn. Nhưng tất cả đó là thứ âm thanh của studio, âm thanh của phòng thu, hoàn toàn trung thực và thể hiện đúng cái đẳng cấp của từng nhân vật, từng nhạc cụ trong một bài hát.

CDP - Và bắt đầu từ đây các hãng sản xuất máy mà khởi đầu là đầu phát (CDP), rất nhiều hãng, thương hiệu khác nhau mà cái kiểu thể hiện âm thanh, âm chất, âm trường cũng thiên hình vạn trạng. Mấy cái kiểu hát đó ai thích kiểu nào thì nhào vô kiểu đó, nhiều bài review ca ngợi, lời đồn bóng gió cũng làm cho dân chơi xôn xao. Cái vấn đề chính ở đây là đẳng cấp thương hiệu của CDP, đẳng cấp của từng model.

Thương hiệu nổi tiếng rồi thì khỏi lăn tăn nó kêu ra sao, mà cái đẳng, cái model mới là yếu tố quna trọng. CDP càng khủng thì âm vực của nó rất khiếp, các chi tiết âm, các tần số âm, các con âm nó dày vui, đĩnh đạc và đầy uy lực. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là cái mà dân chơi hay bị quên chút xíu: Các đầu phát CDP khủng có trường âm rất rộng và độ ồn cực thấp.

Chúng ta phải hiểu và khai thác hết cái đáng đồng tiền này để tránh đầu tư lung tung quá uổng! Các hãng cho ra rất nhiều model khác nhau là nhằm khác phục các điểm mạnh yếu của phòng nghe (phòng hở, phòng kín), các chất âm khác nhau để đánh vào sở thích và cái cuối cùng là âm trường (phòng rộng, phòng hẹp).

Âm thanh nó phát ra tiếng dày hoặc mỏng, nó làm nhiệm vụ của em âmly được thảnh thơi hơn hoặc cật lực hơn. Ví dụ như các CDP Teac hoặc Esoteric hoặc nhiều thương hiệu khác có thể mô phỏng từ Teac, chất âm thì đặc trưng khỏi bàn. Ở đây chúng ta thấy rõ là âm trường của nó là rộng và dày, tiếng rất thô mộc.

Chỉ cần có ai than vãn là Teac nghe sáng quá thì biết ngay anh chàng ngồi nghe quá gần cặp loa rồi - nghĩa là phòng nhỏ. Dàn máy setup không hợp với nó thì cũng lãnh đủ. Với các trường hợp này thì các thương hiệu khác có âm vực nhẹ nhàng hơn cho phòng vừa và ấm áp được người bán giới thiệu, ví dụ như các thương hiệu có dáng dáng đến Phillips. Để chuyên phục vụ cho audiophile, các sếp nên nhớ là không có thương hiệu nào là dở hết, chỉ có dân chơi... ẩu thôi! Mỗi hãng có một tính cách riêng, tiếng dày, tiếng mỏng, tiếng ấm, tiếng sáng, không có chuyện dùng âmly hoặc bất cứ cái chi (EQ, máy tính) để biến cái CDP chuột nhà thành chuột túi Kangaroo được!

Bình luận