Vài dòng về âmly và ổn áp

Các sếp thân mến!

Những điều cơ bản sau đây có thể làm phương hại lâu dài tới âmly yêu quí của chúng ta

Ở những âmly đời mới thì có triệu chứng là nhảy rơle liên tục hoặc vặn volume to lên thì nó ngắt. Còn đối với các âm ly không có mạch rơle như đồ vintage, Hifi thì nó sẽ chịu đựng cho đến 1 ngày xấu trời là alê hấp, đột tử.

1- Dây loa có hiện tượng chập chạm nhẹ.
2- Loa bị chạm côn (Cone) khiến không còn 8 hoặc 4 ohm nửa mà là 1-2 ohm.
3- Dây loa quá nhỏ hoặc quá cũ, bị đứt gần hết các tao dẫn trong dây (cái này nếu cắm rút thường xuyên thì lâu lâu nên cắt bỏ phần đầu dây 5cm rồi làm jack lại).
4- Ổn áp, BACL quá nhỏ công suất.
5- Bộ cắm nguồn, ổ cắm và phích cắm điện bị lỏng lẻo, dây nguồn quá nhỏ.
6- Trở kháng giữa loa và âmly không phù hợp, sai lệch quá lớn.
7- Điện thế nguồn quá cao với danh định (lớn hơn 10-15%).
8- Âmly công suất quá nhỏ so với công suất thật của loa.
9- Không gian giải nhiệt cho âmly không tốt (nhét âm ly vào một khe hẹp không thông gió…).
10- ...
11- Loại trừ hết tất cả các lý do trên thì âmly đã bị... điên thật sự - cần nhập viện.

Khi khắc phục được các yếu tố trên, khi âmly đã hát lại bình thường thì 1 điều các sếp sẽ cảm nhận thật rõ: Âm thanh chắc chắn hay hơn trước!

Các loại dây tín hiệu (AV - interconect cable)

Chạm, chập, đứt không ảnh hưởng đến âmly - Chỉ bị hát dở hoặc... nín hát mà thôi. 

Các sếp chú ý một điều quan trọng là khi âm ly vì 1 lí do nào đó mà bị đứt cầu chì bảo vệ sau máy, chúng ta nên kiểm tra lại bằng cách gắn 1 cầu chì khác có Ampe bằng 3/4 danh định để test (ví dụ 5A thì thử với 3A thôi). Nếu cắm điện vào vẫn đứt cháy thì 115 ngay, không lôi thôi gì cả nhe... cứ gan lì tiếp thì sẽ hư nặng thêm.

Trong ổn áp cũng có 1 mạch vi khiển để kiểm soát điện thế ra của nó được chính xác theo lập trình có sẵn. Vì vậy, việc kết nối điện từ ổ tường, cầu dao vào ổn áp, các sếp phải biết chắc chắn là đã cắm hoặc siết thật chắc, ổ điện cắm lỏng lẻo có thể là nguyên nhân gây... điên cái vi mạch điều khiển ổn áp.

Các ổ cắm điện lỏng lẻo hoặc liên kết dây nguồn lỏng lẻo, quá nhỏ (kể cả âm tường hay lộ thiên) là nguyên nhân chính gây chết ngắc mấy con IC điều khiển trong thiết bị.

Sử dụng các loại ổn áp quá nhỏ (< 1kvA - 1000Va) cũng rất ảnh hưởng đến các linh kiện điện tử trong thiết bị. Khi nhịp độ âm thanh lên xuống liên tục, Âmly ăn và rút điện nhanh, xả nạp y như... súng tiểu liên, gây hụt dòng (do công suất ổn áp nhỏ) và giảm áp tức thời, mạch ổn áp chỉnh sửa và quét liên tục đề đáp ứng đúng điện thế. Và trong quá trình đó, điện cung cấp cho âm ly biến thiên dữ dội. Vậy thì em nào mỏng nhanh nhất thì... thăng trước => IC nguồn, IC khiển đi trước là cái chắc. 

Ba cái vụ này, cầu chì vẫn êm rơ, chả bao giờ đứt. He he, làm cái ổn áp từ 5 - 7.5 kvA cho yên tâm nhé.

Ai chơi các loại power công suất cực lớn với các nhãn hiệu Hi end thì cũng nên chú ý mấy cái vụ điện đóm này nhé. Có nhiều sếp cứ hư hoài bo nguồn của máy mà không biết tại sao, mà mấy ông thợ sửa chữa cũng chưa chắc khuyến cáo các sếp ba cái vụ này.

Khi nhấn khởi động Power, mạch nguồn hoạt động tức thì, rút điện thật mạnh và nhanh (lúc này đèn Dislay chớp chớp, đỏ đỏ) để nạp vào mấy em tụ điện tổ chảng trong máy. Nếu đang xài ổn áp nhỏ thì lúc này điện ra bị sụt áp dữ dội nên nó phải tự động chỉnh điện ra đúng điện thế bằng cách xoay chổi than lên vị trí cao hơn (ổn áp càng nhỏ, nó lên càng cao).

Đến khi đã nạp no điện, hệ thống điều khiển nguồn của Power ngắt chế độ nạp (đèn display hết chớp, hoặc chuyển sang màu xanh) thì lúc này chổi than trong ổn áp đang ở vị trí cao, rụt về không kịp (trong tic tac, giá trị điện thế lúc này ở khoảng 250v - 260v) và với điện áp cao như thế trong vài phần của giây thì các con vi khiển trong bo nguồn sẽ ăn đòn ngay.

Và kéo dài từ ngày này qua ngày kia thì các em nó đem thanh khoản với tình trạng máy nguyên bản (đúng!) còn các mạch bo nguồn tè le, chả ai quan tâm, cứ thế chơi và lại ổn áp nhỏ, và lại đem đi sửa và lại đem thanh khoản và lổ 10%.

Cái vòng luẩn quẩn này kéo dài cả 1 thập niên (90s) cũng nó rõ là thời gian này, trình độ của dân chơi Việt Nam còn hạn chế vì thiếu Internet và chơi theo cảm tính là nhiều.

Ví dụ như đầu tư cho âm ly thì cực kì chăm chút, còn con CDP và dây nhợ mua cho có rồi chơi. Nghe nói có ổn áp đúng điện mới hay thì chạy đi mua cho nó có đúng điện, còn công suất thì bỏ qua, rẻ nhất có thể... cho nên cục điện trong ổn áp nhỏ hơn cục điện trong âmly là thường xuyên. Thời gian này thợ sửa điện tử Sài Gòn có ăn lắm. Đồ điện tử bị.  điên nằm khắp và khẳm luôn.

Nếu không biết mua ổn áp bao nhiêu cho đủ thì các sếp tạm cân cái cặp CDP & âmly hoặc cục Power coi nó được bao nhiêu Kg thì mua cục ổn áp bấy nhiêu kg. Hehe đừng cắc cớ đem cái âm ly dế chút xíu ra đố em nha. Nếu cộng thêm chút đỉnh để sau này có nâng cấp gì đó thì càng tốt hơn.

Tuyệt đối không được táy máy hoặc cho kẻ khác nhấn nhả nút công tắc nguồn liên tục khi dây nguồn của thiết bị đang cắm vào ổ điện!!

Tất cả các thiết bị audio như CDP - D/A - preamply - âmly - hoặc poweramply nếu bị nhấn nhả nút mở nguồn liên tục từ 2,3 lần trở lên thì khả năng cháy board mạch nguồn, hoặc con IC khiển nguồn rất lớn, các linh kiện không chịu nổi các đợt sóng xung kích và tsunami lia lịa như thế. Dòng tự kích phát sinh có cường độ cao sẽ nhanh chóng phá huỷ các mao mạch điện tử. 

Sửa chữa dạng sự cố này khó khăn và dể bị mất nhiều đạn, lúa, hehe.

Thiết bị cao cấp nhiều khi chỉ cắm dây vào là có điện, không có công tắc khởi động cũng mang tính rủi ro cao khi cắm vào ổn áp hoặc BACL và dùng chúng làm khởi động cho thiết bị đó. Chỉ nên khởi động máy audio hoặc các máy vi khiển khác một khi đã khởi động trước và đã ổn định các bộ nguồn như BACL - ổn áp. Nhất là các loại BACL - Ổn áp có công suất lớn.
Sự lười biếng khi khởi động ổn áp mà các máy audio đang ON thì sự rủi ro sự cố cho máy là rất lớn. Nhất là các loại máy có hệ thống bên trong nhiều IC điều khiển.... 

Về lâu dài thì các máy trong hệ thống này hay bị điên điên mất kiểm soát và khó sửa chữa vô cùng. Nói xa hơn, CB hoặc cầu dao điện tổng trong nhà cũng không được test bằng cách tắt mở liên tục khi đang có đấu điện vào. Làm lia lịa như thế thì sẽ có vài thiết bị điện cao cấp trong nhà ngủm củ tỏi. 

Ở một giai đoạn thời gian nào đó, điện bị chớp tắt liên tục cũng xảy ra các trường hợp máy móc tụ nhiên lăn ra chết mà chúng ta không biết nguyên nhân. Nói gần lại thì muốn để ổn áp hoặc BACL có điện liên tục cũng được, chỉ cần đừng có ai khác trong nhà nổi hứng nhấn, nhả máy audio liên tục thì ok!

Có nhiều thiết bị Hiend đề nghị cấp điện liên tục cho thiết bị dù không nghe nhạc, cái này cũng đúng để nghe được âm thanh hay hơn. Nhưng các sếp cũng nên chú ý nhà mình đang ở đâu trên bản đồ lưới điện Việt Nam nha. Ú ớ, chớp chớp vài 3 cái thì cũng mệt mõi lắm nha.

Gắn nhiều thiết bị bảo vệ chống ngắt dòng, chống sụt áp, chống sốc điện cũng có lý

Nhưng có lý với đồ tiêu dùng cao cấp chứ với audio nhiều lúc... nghe dở ráng chịu, hehe.

Tóm lại, chúng ta nên từ bỏ các thói quen không tốt của dân chơi Việt Nam là chà xát lia lịa lên mặt máy, rung lắc dữ dội khi cắm rút các Jack nguồn, RCA, bắp chuối, nhấn nhả, bật tắt lia lịa các công tắc điện, bộ nguồn, mọi nút nhấn trên mặt máy, gõ búng vào thiết bị, nắp máy, nón loa, sờ sờ và... nhấn mũi dome nhôm của loa treble bẹp luôn! Săm soi, cầm nắm và vô tình bẻ lia lịa các dây tín hiệu, dây loa, dây nguồn.

Tất nhiên, thói quen này có lợi cho thợ sửa chữa nhưng có nhiều cái thì không còn được như xưa nữa.

Các đời loa Altec Lansing của các thập niên 50-60, thế mạnh của nó là các loại nhạc tình ca lãng mạn - Êm đềm và du dương

Trong đó lời ca tiếng hát nghe có cảm giác xuất phát từ tận đáy lòng nó dày kinh khủng! Đó là vì khai thác hết thế mạnh cùa còi (horn) với cái cách sản xuất đặc biệt với độ nhạy cực cao và dành riêng để chơi với âm ly đèn.

Các loại tình ca nhộn hơn, có cá tính mạnh hay tình ca có nhiều bão tố, thì em e rằng con đường sẽ lắm chông gai và rồi một mai dể nản lòng người chiến sĩ, nhiều lúc ngỡ rằng mình đã thành công thì ngay sau đó lại thấy mình sai.

Để dễ dàng chơi với các loại tình ca thổn thức thì chuyện đóng thùng cũng rất đơn giản cho các loại driver có độ nhạy cực cao này. Thùng loa cũng như thùng đàn, với loại đàn dây dài độ nhạy cao như guitar thì thử hỏi, đóng bằng gỗ dày liệu có đánh được không? Sợ nghe tiếng thùng ư? guitar mắc rẻ ở cái thùng đàn mà, tiếng thùng và tiếng phòng tạo ra tiếng hạ âm (nền) huyền bí cho âm thanh đỉnh cao.

Tiếng thùng của loa độ nhạy cao và công suất SE vài ba W là nỗi đam mê và ám ảnh của nhiều dân chơi audio, và nhiều lúc chính họ không hiểu tại sao cặp loa của người ta nghe quá ư là quyến rũ vì đâu, và rồi nỗi loay hoay kéo dài năm tháng đến một lúc nào đó mới chợt hiểu ra rằng chi tiết của âm thanh là đẳng cấp của củ loa, tiếng vọng của âm thanh từ cái thùng loa và phòng nghe mà có được. Hai món này nhập lại, cân chỉnh cho thật hài hòa theo chuẩn ý cá nhân ta sẽ thưởng thức được hết cái tuyệt ý mà âm nhạc mang đến.

Đến bây giờ em cũng chưa biết cái tuyệt ý của âm nhạc tới mức nào, chỉ võ vẽ đôi chút học được của các sư phụ vùng "tối" mà thôi.

Bình luận